Chuyên gia: ‘Ưu đãi đầu tư phải như làm tổ chim phượng hoàng’

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam “Tăng trưởng xanh và tái cơ cấu kinh tế” tổ chức ngày 24/10, Tiến sĩ Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nhận định những ưu tiên của Việt Nam hiện “vô cùng thấp so với thế giới”, chỉ tập trung ở những cơ chế ưu đãi mà chưa tạo ra những điều kiện hạ tầng, vật chất kỹ thuật và thể chế tốt để vùng kinh tế đó bứt lên.

“Ưu tiên không chỉ là thuế bớt vài phần trăm hay giá dịch vụ giảm đi, những nhà đầu tư chiến lược thường không đòi hỏi lớn những vấn đề này mà chỉ có những nhà đầu tư làng nhàng”, ông Thiên nhấn mạnh.

tran-dinh-thien-3288-1414142126.jpg

Tiến sĩ Trần Đình Thiên nhấn mạnh phải thay đổi phương thức về ưu tiên đầu tư.

Theo vị này, ưu tiên cao nhất phải là thể chế. Thể chế đàng hoàng, hạ tầng cơ sở tốt thì đầu tư mới đột phá. “Phải tạo những ưu đãi như làm tổ cho chim phượng hoàng, không phải là làm tổ cho gà đẻ”, ông nói và khuyến nghị Việt Nam phải chú trọng phát triển chất lượng ngành công nghiệp để gắn với chuỗi tăng trưởng của thế giới, chủ động chọn những nhà đầu tư chiến lược nhằm có đối tác tốt nhất.

“Mô hình tăng trưởng của Việt Nam không còn phù hợp. Chúng ta có thể chiến đấu rất hăng, không ngại gian khổ nhưng lại ngại khó”, ông Thiên nhận xét.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuệ Anh – Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, chuyển dịch cơ cấu của Việt Nam đang khá chậm và phần lớn các thay đổi trong những năm qua đi kèm với tăng tiêu thụ năng lượng do mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, dựa nhiều vào mở rộng yếu tố vốn, khai thác tài nguyên, hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp.

Còn Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên – Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho rằng, Việt Nam đang ở cách khá xa về thu nhập bình quân đầu người cũng như trình độ phát triển kinh tế khoa học, công nghệ so với các nước trong khu vực, thậm chí việc đuổi kịp trình độ phát triển của Thái Lan, Malaysia cũng là một thách thức lớn đối với các nhà hoạch định chính sách.

Do đó, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả và năng lực cạnh tranh. “Với lợi thế đi sau, Việt Nam có cơ hội lớn để áp dụng các công nghệ tiên tiến, có hiệu quả. Hội nhập cũng tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ tiên tiến, qua đó tạo động lực để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật theo những yêu cầu của  đối tác thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài”, bà Tuệ Anh cho hay.

Phương Linh

Để lại một bình luận

0913.756.339