Trước ngày khai trương hệ thống bán vé điện tử đường sắt vào ngày 21/11 tới, Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ông Trần Ngọc Thành đã có cuộc trao đổi với VnExpress về quá trình xây dựng hệ thống trên:
– Ông có thể cho biết lộ trình ra mắt hệ thống bán vé điện tử sẽ như thế nào và đến bao giờ người dân có thể tự in vé điện tử, cầm ra ga lên tàu như vé máy bay?
– Sau gần 3 tháng triển khai, hiện nay giai đoạn một của hệ thống vé tàu điện tử đã hoàn thiện. Từ ngày 21/11 tới, hành khách có thể vào website của đường sắt để đặt vé tàu qua mạng, mua vé Tết Nguyên đán. Đến năm 2016, sau khi hoàn thành cả ba giai đoạn, người dân sẽ có thể mua vé tàu điện tử như vé máy bay. Trước khi mua, nếu muốn kiểm tra số lượng chỗ còn trống, khách có thể nhắn tin lên tổng đài để kiểm tra. Ví dụ khách muốn di chuyển từ Nam Định đến Vinh có thể nhắn tin kiểm tra xem ngày đó còn chuyến nào, chuyến đó có những chỗ nào còn trống.
Bên cạnh xây dựng hệ thống bán vé điện tử, Đường sắt Việt Nam đã ký với một số ngân hàng hợp tác thu tiền vé tàu và xuất vé cho nhân dân. Ngoài ra, chúng tôi cũng vừa ký với Tổng công ty bưu điện với trên 6.000 điểm bán vé trên khắp cả nước. Bà con chỉ cần đi ra trạm bưu điện, chi nhánh ngân hàng là mua được vé.
– Mục tiêu của hệ thống bán vé điện tử này là gì?
– Mục tiêu của ngành đường sắt là phục vụ vận tải đại chúng, người có tiền hay người nghèo cũng đi được. Hệ thống bán vé điện tử này chỉ là cơ sở hạ tầng để tiếp cận khách hàng, phục vụ cho mục tiêu đó. Trước đây, có nơi người dân phải đi hàng chục km mới mua được vé. Còn nay, thậm chí đến người nông dân chưa được phổ cập Internet vẫn mua được vé ngay tại thôn xóm qua hệ thống bưu điện xã phường.
Ngoài kỳ vọng doanh số bán vé cao hơn, trước hết hệ thống này góp phần thay đổi hình ảnh của đường sắt trong mắt người dân. Đến một lúc nào đó, đường sắt sẽ có đủ tiện nghi để phục vụ cả những người thích đi du lịch bằng tàu, những người không thích đi máy bay, xe khách.
– Lâu nay tình trạng cò vé, tuồn vé ra ngoài của nhân viên đường sắt vẫn tiếp diễn. Khi mọi người dân có thể tiếp cận kho vé qua hệ thống vé điện tử, cò vé có còn đất sống?
– Vào những ngày cao điểm, ngày Tết, người dân mua vé trực tiếp của đường sắt thường rất khó, mua ở ngoài thì giá gấp đôi, gấp ba lần bình thường. Vé trong ga thì hết nhưng thực tế ghế trên tàu vẫn còn. Nguyên nhân là vé được tuồn ra ngoài nếu không bán được thì đến sát giờ tàu chạy, cò vé lại mang trả cho nhà ga. Hậu quả là dân không mua được vé, tàu thì thừa chỗ, gây ra tình trạng lãng phí không hiệu quả.
Còn nay, đất hoạt động của cò sẽ thu hẹp lại vì khách tự đặt vé qua mạng. Hành khách có thể mua vé trước cả 6 tháng. Tuy nhiên trên đời không có gì là triệt để. Chúng ta cứ làm đã, nếu tình trạng cò vé tiếp tục biến tướng, phát sinh thì giải quyết tiếp.
– Đây là lần đầu tiên ngành đường sắt áp dụng hệ thống bán vé điện tử. Tổng công ty có gặp những khó khăn vướng mắc gì trong quá trình xây dựng hệ thống?
– Vào tháng 5 năm ngoái khi tôi yêu cầu đầu tư hệ thống này, không phải tất cả mọi người đều đồng ý. Vì một khi xây dựng xong, mọi quy trình đều phải thay đổi. Lực lượng lao động cũng phải thay đổi. Khi vé được bán qua mạng, ngành đường sắt không cần quá nhiều người ngồi bán vé ở ga nữa.
Để đi đến kết quả cắt băng khánh thành vào ngày 21/11 tới, nhiều người đã phải từ chức vì không hoàn thành nhiệm vụ. Có người tự nguyện nghỉ nhưng cũng có người bị xử lý vì không hoàn thành được nhiệm vụ được giao. Nhiều lãnh đạo bị cách chức vì không theo kịp tiến độ. Hơn một năm qua với chừng đó việc, nếu chúng tôi không quyết liệt thì không thể làm được. Rất nhiều hôm đến hai, ba giờ sáng mọi người vẫn phải ngồi làm việc.
Những đổi mới của đường sắt trước mắt là đổi mới về mặt tư duy, sau đó là sự hy sinh để phát triển. Không có sự đột phá nào mà không có sự trả giá. Với những người đã phải nghỉ việc, họ đã phải hy sinh công ăn việc làm và cả danh dự của họ, từ bỏ sự nghiệp, chức vụ mà họ phấn đấu cả đời. Theo tôi, từ giã sự nghiệp của mình vì sự phát triển chung cũng là một sự đóng góp. Tôi nợ họ những điều đó.
– Ngoài các dự án vé điện tử, đổi mới ke ga, cầu vượt đường sắt, ngành đường sắt có kế hoạch đầu tư nào sau hàng chục năm không mua đóng mới đầu kéo, toa xe?
– Những thay đổi ở ngành đường sắt hiện nay chưa mất tiền hoặc mất rất ít tiền. Sau khi ổn định bộ máy, và có một nền tảng quản lý chặt chẽ, đường sắt sẽ nghĩ đến việc đầu tư.
Hàng chục năm nay chúng tôi chưa có dự án đầu tư nào. Cách đây 40 năm khi còn là sinh viên tôi đã đi những toa tàu này, bây giờ quay lại làm Chủ tịch vẫn đi trên những toa tàu đó. Vào năm sau, bên cạnh tiếp tục công cuộc cổ phần hóa, chúng tôi sẽ triển khai những dự án mới, mua đầu máy và đóng toa xe mới.
Trước mắt, Công ty nghiên cứu bài toán nâng cao hiệu quả sử dụng đầu máy. Hiện nay một đầu máy có thể chạy 8 tiếng lại nghỉ 18 tiếng. Nhưng sắp tới, chúng tôi sẽ tính toán để đầu máy chạy là chính, thời gian nghỉ ít. Những đầu máy cũ, tiêu hao nhiều nhiên liệu thì thanh lý. Sau đó thiếu bao nhiêu thì mua mới.
Ngoài ra, thay vì xả thẳng chất thải xuống đường tàu như lâu nay, các đoàn tàu sẽ có hệ thống toilet tự hoại, trị giá 300 triệu đồng mỗi toa. Bước đầu chúng tôi sẽ lắp đặt cho 350 toa, sau đó tiến tới lắp cho 1.000 toa.
Thanh Bình