Chủ tịch Alphanam: ‘Thấy nhẹ nhõm khi hủy niêm yết cổ phiếu’

Sau 7 năm giao dịch trên sàn chứng khoán, mã cổ phiếu ALP của Công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam hủy niêm yết vào ngày 30/12 tới. Ông Nguyễn Tuấn Hải – Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty vừa chia sẻ với VnExpress về các kế hoạch trong thời gian tới cũng như việc chuyển giao công việc cho thế hệ kế cận.

– Theo kế hoạch, hết năm nay, cổ phiếu Alphanam sẽ hủy niêm yết trên sàn chứng khoán. Công ty đã chuẩn bị cho sự kiện này như thế nào?

– Ngay từ năm 2012, ban lãnh đạo công ty đã tính toán thận trọng các kịch bản cho việc hủy niêm yết, bao gồm các hiệu ứng có thể xảy ra, điểm lợi, điểm hại khi cổ phiếu rời sàn. Khi các tính toán đã được cân nhắc kỹ lưỡng và thời cơ chín muồi, chúng tôi mới chính thức công bố. Thực tế, các diễn biến đều xảy ra theo đúng kế hoạch của công ty. 

Giống như nhiều tập đoàn lớn khác trên thế giới, khi cổ phiếu rời sàn, chúng tôi sẽ phải giải quyết một số việc như nhà băng siết lại tín dụng, cổ đông lo lắng liệu nên ở lại hay thoái vốn… Hiện tại, chúng tôi nhận thấy các nhân viên Alphanam vẫn tin tưởng vào sự phát triển của công ty và họ khá ổn định tâm lý.

Từ thời điểm tổ chức Đại hội cổ đông thông qua hủy niêm yết đến nay, quả tình tôi thấy nhẹ nhõm vì các công tác chuẩn bị, tính toán theo đúng kịch bản chúng tôi đặt ra và không xuất hiện sự xáo trộn nào.

mr-hai-1-4441-1419494873.jpg

Chủ tịch Alphanam cho biết công ty phải mất 5 năm để thực hiện chuyển giao.

– Rời thị trường chứng khoán lúc các chuyên gia đánh giá kinh tế đang trên đà hồi phục, cá nhân ông thấy nuối tiếc? 

– Công ty Đầu tư Alphanam là công ty chuyên đầu tư về tài chính. hoạt động M&A và mong muốn là trở thành công ty gia đình nên chúng tôi nhận định rằng tốt nhất là không niêm yết để bảo mật thông tin. Tất nhiên, những công ty kinh doanh mang tính thị trường thì vẫn nên niêm yết, bản thân Alphanam Group vẫn còn một công ty niêm yết trên sàn là Alphanam E&C (Mã CK: AME).

– Sau khi có thông tin hủy niêm yết, giá cổ phiếu ALP lao dốc, hiện chỉ còn trên 3.000 đồng. Ông nhận định thế nào về vấn đề này và ý kiến từ phía cổ đông ra sao?

– Chúng tôi đã có kế hoạch mua lại cổ phiếu trong 2 năm trước khi rời sàn. Nhìn ở góc độ đầu tư tài chính, khi bán ra giá cổ phiếu cao, và khi mua vào giá thấp, đó là một hoạt động đầu tư hiệu quả. Về phía đối tác và những người hiểu về Alphanam, họ hiểu rằng giá cổ phiếu trên thị trường không đánh giá được giá trị cốt lõi thực sự của công ty.

Đa số những cổ đông gắn bó từ ngày đầu với Alphanam vẫn giữ nguyên cổ phần. Dù rằng tôi không khuyến cáo, hay vẽ ra bức tranh hứa hẹn, nhưng các cổ đông hiểu về công ty và tin rằng sự rút lui khỏi thị trường chứng khoán lúc này chỉ là bước đi ngắn hạn.

– Kế hoạch của Alphanam sẽ như thế nào sau khi hủy niêm yết, đặc biệt là khoản lợi nhuận chưa phân phối của công ty âm hơn 385 tỷ đồng?

– Các hoạt động của công ty vẫn diễn ra bình thường, bản chất các khoản lỗ này chủ yếu là do trích lập dự phòng khi chúng tôi thâu tóm các công ty thua lỗ. Thời gian tới, khi khai thác tài sản bất động sản thuộc các công ty này, khoản lỗ trên sổ sách sẽ được bù đắp nhanh chóng. Sau tái cấu trúc, các hoạt động sẽ mạch lạc hơn. Công ty Đầu tư Alphanam sẽ tập trung vào các hoạt động M&A, công ty Alphanam Địa ốc chuyển dịch sang xây dựng và phát triển các dự án bất động sản, đẩy mạnh đầu tư vào bất động sản du lịch.

– Ông từng chia sẻ việc rút niêm yết vì đã hoàn thành sứ mệnh doanh nhân và muốn chuyển giao cho người kế nhiệm. Hiện tại, việc tìm người kế nhiệm và chuyển giao đã thực hiện như thế nào?

– Alphanam đang trong quá trình chuyển giao, và cần 5 năm để hoàn tất. Hai người con của tôi là Nguyễn Minh Nhật và Nguyễn Ngọc Mỹ hiện đều tham gia điều hành, tuy không phải ở vị trí cao nhất nhưng cũng nắm những vai trò quan trọng. Chúng có thời gian thử lửa và tôi luyện trong giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Tôi tin các con của tôi đủ sức tiếp nhận thành quả gia đình và đưa doanh nghiệp phát triển.  

– Với một công ty tư nhân, nhiều người sẽ có quan điểm cha truyền con nối và chưa hiểu hết về năng lực điều hành của một lãnh đạo trẻ, thậm chí một số đối tác có thể ngại ngần. Ông nghĩ sao về điều này?

– Thực tế ở châu Á, tại các nước đã có thời gian phát triển kinh tế thị trường trước chúng ta, mô hình doanh nghiệp gia đình đã có nhiều minh chứng phát triển thành công, bền vững, trở thành những tập đoàn kinh tế hàng đầu. Các lãnh đạo trẻ cần thời gian để học hỏi và trưởng thành, tự chứng minh bản thân trước những thách thức của thị trường, của doanh nghiệp. Để trở thành một nhà lãnh đạo thành công cần rất nhiều yếu tố, ngoài nền tảng và tố chất, mà ở độ tuổi nào cũng cần bản lĩnh và không ngừng trau dồi.

Bên cạnh đó, tôi không muốn đặt áp lực lên con cái, làm được đến đâu là quyền của các con. Tôi cũng không muốn đẩy tham vọng của các con lên quá sớm. Điều quan trọng, tôi nhìn thấy ở các con một nghị lực rất lớn và sự khiêm nhường, ham học hỏi. Thời gian sẽ chứng minh bằng những kết quả.

Hiện nay các đối tác và liên doanh nước ngoài rất hài lòng  khi làm việc với các con của tôi, thậm chí họ còn nói rằng đây là bộ đôi làm việc lý tưởng. Bản thân gia đình cũng cảm nhận chưa bao giờ năng lực làm việc của Alphanam lại mạnh mẽ như hiện nay.

– Alphanam rút khỏi lĩnh vực siêu thị chỉ sau hơn nửa năm hoạt động, nguyên nhân là tại sao, thưa ông?

– Sau khi làm thử một thời gian, các con của tôi thấy rằng lĩnh vực đó không phù hợp và khi có cơ hội chuyển nhượng với giá tốt hơn, chúng tôi đưa ngay ra quyết định.

– Thời gian qua, các nhà bán lẻ ngoại ngày càng bành trướng, trong khi nhiều doanh nghiệp trong nước lại co hẹp, ông đánh giá như thế nào về điều này?

– Thị trường bán lẻ đang cạnh tranh khốc liệt, để có thể thành công, doanh nghiệp phải hội thủ đủ ba yếu tố. Thứ nhất là phải có nghề, hiện các tập đoàn nước ngoài đang có lợi thế hơn. Thứ hai là có tiềm lực, người Việt Nam quá nhỏ bé. Thứ ba là có thương hiệu. Với ba điểm mấu chốt trên thì người Việt Nam đều thua kém, đó là bất lợi cho doanh nghiệp bán lẻ trong nước.

– Một ngày của ông sẽ thay đổi như thế nào sau khi cổ phiếu ALP hủy niêm yết?

– Là doanh nhân, công việc của tôi không có gì thay đổi. Việc niêm yết hay hủy niêm yết là bước đi mang tính chiến lược ở mỗi giai đoạn và đều nằm trong mục tiêu kinh doanh. Bên cạnh đó, tôi cũng đã đến tuổi giảm áp lực công việc và chuẩn bị chuyển giao, dành nhiều thời gian hơn cho việc đào tạo và truyền lửa cho thế hệ trẻ đam mê kinh doanh. Hiện nay tôi bắt đầu dành thời gian cho ước mơ trở thành nhà giáo để nối tiếp truyền thống của gia đình. Cuộc sống có nhiều thứ ngoài kinh doanh nên cần dành nhiều thời gian cho gia đình và bạn bè thân thiết. 

Phương Linh

Để lại một bình luận

0913.756.339