Chủ doanh nghiệp đua kinh doanh ‘tay ngang’

Vài năm trở lại đây khi kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhiều giám đốc đã “tay ngang” lấn sân sang lĩnh vực mới để kinh doanh, trong khi vẫn cố duy trì mảng hoạt động chính. Mặc dù thời kỳ đầu khá trầy trật, nhưng cũng nhiều doanh nhân có được sự khởi đầu thành công.

Giám đốc viễn thông kinh doanh rửa xe tự động

rua-xe-4334-1419852867.jpg

Là giám đốc công ty viễn thông nhưng Trần Chính Nghĩa (TP HCM) lại đam mê chế tạo sản phẩm cơ khí. Nhờ vậy, với đam mê sáng tạo anh đã bỏ ra hàng tỷ đồng cho hoạt động nghiên cứu và chế tạo hệ thống rửa xe tự động. Sau 4 năm nghiên cứu, 2013 dự án thử nghiệm chính thức thành công.

Khi đã đăng ký đầy đủ thủ tục sáng chế, đầu tháng 6 năm nay Nghĩa đã đưa hệ thống vào hoạt động tại tầng hầm B1 siêu thị Big C Trường Trinh, TP HCM. Vì là hệ thống khép kín nên toàn bộ bụi bẩn cũng như nước thải sẽ được xử lý trong diện tích khoảng 10m2 chứ không bắn tung tóe như rửa xe truyền thống. Ngoài ra, thay vì phải thuê 10 nhân công để rửa hàng trăm chiếc xe một ngày, hệ thống này chỉ cần 2 người, thời gian rửa xe chỉ mất 3 phút. Theo Nghĩa, để mở một hệ thống rửa xe tự động, chủ đầu tư chỉ cần bỏ vốn 200 triệu đồng với 2 nhân viên, nhưng có thể rửa gần 200 chiếc xe mỗi ngày, thu hồi vốn sau 7 tháng.

Đến nay, khá nhiều cơ sở tư nhân đề nghị Nghĩa hợp tác, tuy nhiên, vì còn bận rộn với công việc nên Nghĩa chỉ tập trung sản xuất máy móc chứ không mở rộng quy mô. Cho đến nay, anh đã có trên 200 đơn đặt hàng trong nước. Ngoài ra, một đơn vị kinh doanh ở Campuchia cũng đặt 200 cái. Nghĩa cho biết, sắp tới để phát triển thị trường anh sẽ sản xuất với số lượng lớn để xuất khẩu. 

Giám đốc máy tính kiêm nghề lẩu mắm

lau-man-8568-1419852868.jpg

Sinh ra ở Sài Gòn nhưng chị Nguyễn Thị Đoan Khanh, giám đốc một công ty kinh doanh máy tính (quận 1) lại mê lẩu mắm từ nhỏ. Cũng chính từ niềm đam mê đó, năm 2012, chị và người bạn đầu tư hơn một tỷ đồng mở một quán lẩu mắm trong một con hẻm ở quận 5.

Vì là dân “tay ngang” nên ban đầu chị gặp khá nhiều khó khăn. Chị phải đi khắp khu vực miền Tây đặc biệt là vùng Cờ Đỏ, Thốt Nốt (Cần Thơ) để tìm người biết nấu đúng chuẩn. Mỗi lần đầu bếp cũ nghỉ, chị lại đứng ngồi không yên vì phải chạy đôn chạy đáo đi tìm người mới.

Không chỉ chuyện nhân sự, chị còn phải đối mặt với khâu nguyên liệu, rồi mặt bằng khiến năm đầu quán lỗ triền miên. Chị Khanh cho biết, nhiều lúc xuống tinh thần nhưng với quyết tâm theo đuổi, chị vẫn bám trụ mãi đến năm thứ 2 mới bắt đầu thoát khó khăn. Từ năm 2013 trở đi, lượng khách tại quán của chị tăng dần. Hiện doanh số mỗi tháng của quán đạt trung bình 250-300 triệu đồng. Nhiều lúc quán còn được các công ty du lịch đặt chỗ trước cho du khách.

Giám đốc quảng cáo bán bún chảonline

bun-cha-2017-1419852869.jpg

Đang là giám đốc một công ty quảng cáo online, chị Lan, ở quận Tân Bình (TP HCM) vẫn không ngừng đam mê kinh doanh ẩm thực. Sau 2 năm nghiên cứu về mô hình kinh doanh thuộc lĩnh vực này, chị quyết định mở cửa hàng chuyên về bún chả.

Thay vì chọn cách phát triển theo mô hình truyền thống, chị Lan đẩy mạnh theo hướng kinh doanh qua mạng. Nhờ vậy, chị không quá chú trọng mặt bằng và chỉ khởi đầu với số vốn 80-100 triệu đồng. Theo chị Lan, việc kinh doanh qua internet là xu hướng hiện nay và đây cũng là cách tăng doanh số nhanh nhất, đồng thời, bán hàng qua mạng tiết kiệm được chi phí đầu tư cũng như nhân công phục vụ…

Tuy vậy, thời gian đầu, chị Lan gặp khá nhiều khó khăn trong khâu giao hàng cũng như điều tiết công việc. Ngày nào chị cũng phải thức dậy từ 5h sáng đến 22h đêm chuẩn bị nguyên liệu cho đến chế biến và sắp xếp giao hàng. Thời kỳ đầu rất khó đoán được lượng khách nên hôm thì chị làm thiếu nguyên liệu, có ngày lại thừa nên khá tốn kém. Thêm vào đó, vì là giám đốc công ty chuyên về quảng cáo online, nên chị Lan thường phân chia lịch làm việc theo khung giờ nhất định.

Cũng nhờ cách sắp xếp công việc hợp lý mà chị Lan giờ đây đã điều tiết được 2 công việc một cách ổn thỏa. Hiện một ngày chị bán được gần 200 phần bún chả, lợi nhuận chiếm khoảng 20-30% trên doanh thu. Sắp tới, để phát triển mạng lưới, chị Lan dự tính sẽ mở thêm 2-3 cửa hàng ở trung tâm thành phố, đồng thời đẩy mạnh đội ngũ giao hàng.

Bên cạnh các giám đốc doanh nghiệp kiêm nghề tay trái thì gần đây khá nhiều cử nhân, nhân viên văn phòng cũng tay ngang chuyển hướng sang kinh doanh, thậm chí họ kiêm khá nhiều công việc như: tiếp viên trưởng hàng không kinh doanh chuỗi cửa hàng bún đậu, nhà nghiên cứu công nghệ kinh doanh nhím cảnh, cựu giảng viên đi bán tào phớ, cử nhân kinh tế đi nuôi lươn… Hầu hết các cá nhân này đã dần tạo được chỗ đứng trên thị trường và ngày càng mở rộng quy mô.

Hồng Châu

Để lại một bình luận

0913.756.339