Cho vay nông nghiệp phát triển nhờ mobile banking

Tham luận tại buổi tọa đàm quốc tế về hệ thống cho vay nông nghiệp đang diễn ra trong ngày 22 – 25/10 tại Hà Nội, ông Ratchada Anantavrasilpa – chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định công nghệ thông tin đang là động lực quan trong giúp các nhà băng tiếp cận đến khách hàng ở khu vực nông thôn, giảm chi phí giao dịch.

“Sử dụng mobile banking giúp các ngân hàng tiếp cận khách hàng nhiều hơn và giảm được chi phí” vị này cho hay với ví dụ về hệ thống chuyển tiền điện tử M-Pesa tại Kenya.

Mpesa-7481-1414057627.jpg

Dịch vụ chuyển tiền qua mobile giúp người dân ở nông thôn tiếp cận tốt hơn với dịch vụ ngân hàng.

Ở đất nước châu Phi này, chi phí xây dựng và triển khai các dịch vụ rất cao, do đó mạng lưới ngân hàng bị hạn chế, các nhà băng thường tập trung ở các thành phố để phục vụ khách hàng cao cấp. Kết quả là người dân ở nông thôn ít được tiếp cận với các dịch vụ tài chính, hoặc có thì cũng mất rất nhiều chi phí. Tuy nhiên, nhu cầu tài chính dành cho lĩnh vực nông nghiệp của Kenya lại rất lớn. Năm 2006, có tới 38% người dân Kenya ở nông thôn không tiếp cận được với dịch vụ tài chính của ngân hàng.

Nắm bắt được điều này, năm 2007, Công ty cung cấp dịch vụ di động Safaricom đã cho ra đời dịch vụ chuyển tiền M-Pesa (M nghĩa là Mobile, Pesa nghĩa là tiền trong tiếng Kenya). Dịch vụ này nhắm đến những người nông dân vốn không tiếp cận được với các dịch vụ tài chính truyền thống, giúp họ thanh toán các chứng từ đầu vào trong sản xuất nông nghiệp, tiếp cận các khoản tín dụng vi mô, các sản phẩm bảo hiểm… Người nông dân cũng có thể sử dụng tiền mặt hoặc tiền tiết kiệm để làm tài sản thế chấp cho các khoản vay. 

Với việc chuyển tiền được thực hiện qua tin nhắn SMS, không yêu cầu phí hàng hàng và số dư tối thiểu, chi phi cho các giao dịch sẽ giảm đi và đáp ứng được nhiều hơn nhu cầu vay vốn của người dân nông thôn.

Một báo cáo của Tổ chức tài chính Quốc tế (IFC) về xu hướng tín dụng nông nghiệp cũng nhận định Mobile Banking sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cấp tín dụng ở kỷ nguyên kỹ thuật số. Cụ thể, với lượng thuê bao di động ngày càng tăng nhanh và nhiều người dân nông thôn ở châu Phi, Nam Mỹ, Nam và Đông Nam Á sử dụng, các công ty điện thoại di động đã nhận ra rằng các dịch vụ này có khả năng tạo ra lợi nhuận và các ngân hàng cũng nhận ra rằng phát triển công nghệ là cơ hội để tiếp cận khách hàng nhiều hơn.

Đánh giá tổng quan về tình hình cho vay nông nghiệp, ông Ratchada Anantavrasilpa cho rằng đây vẫn là lĩnh vực thách thức so với các loại hình khác, do sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào yếu tố mùa vụ, thời tiết và xử lý tài sản đảm bảo gặp nhiều khó khăn. Chi phí giao dịch của các khoản vay nông nghiệp cũng cao hơn do thông tin hạn chế, cần đầu tư cho các chi nhánh tại nông thôn và ứng phó với các rủi ro như hạn hán, lũ lụt…

Tại Việt Nam, theo đại diện Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (Agribank), dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn tính đến 30/9/2014 đạt hơn 390.600 tỷ đồng, chiếm 72% tổng dư nợ. Chủ tịch Hội đồng thành viên ngân hàng – ông Trịnh Ngọc Khánh cho biết trong chiến lược phát triển những năm tới Agribank đặt mục tiêu nâng tỷ trọng dư nợ nông nghiệp, nông thôn lên 80%.

Liên quan đến tài sản đảm bảo, chuyên gia của WB khuyến nghị các ngân hàng cần nghiên cứu một loại tài sản khác nhằm giảm thiểu rủi ro, dựa vào những người mua hoặc các đại lý đáng tin cậy để cho vay. 

Trước việc này, đại diện của Agribank thông tin ngân hàng đang áp dụng cho vay không có tài sản bảo đảm, áp dụng cho các cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn nông thôn với mức vay tối đa từ 50 đến 500 triệu đồng, lãi suất thấp. Ông Tiết Văn Thành – Quyền Tổng giám đốc Agribank nhận định cần thêm những cơ chế bảo hiểm để giảm thiểu rủi ro, bởi cho vay nông nghiệp chịu ảnh hưởng lớn của yếu tố khách quan như thời tiết, hạn hán, sâu bệnh…

Tọa đàm Hệ thống cho vay nông nghiệp nằm trong khuôn khổ Hội nghị thường niên của Hiệp hội tín dụng nông nghiệp và nông thôn châu Á – Thái Bình Dương (APRACA). Tổ chức này được thành lập từ năm 1977, trong đó Agribank trở thành thành viên từ năm 1991 và giữ vai trò Chủ tịch từ 2008 đến 2010.

My Ebank – Ngân hàng điện tử được yêu thích tại Việt Nam là chương trình bình chọn dịch vụ ngân hàng điện tử xuất sắc trong năm, cho cả 2 hạng mục Internet Banking và Mobile Banking. Chương trình doVnExpress tổ chức, Ngân hàng Nhà nước bảo trợ và Công ty Dịch vụ thẻ Smartlink cố vấn về chuyên môn.

Đối tượng bình chọn: Dịch vụ ngân hàng điện tử dành cho khách hàng cá nhân của các ngân hàng thương mại trong nước và quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Thông tin chi tiết về Chương trình My Ebank vui lòng xem tại đây.

Phương Linh

Để lại một bình luận

0913.756.339