Chợ trung tâm sống khỏe với mô hình truyền thống

Nằm giữa trung tâm TP HCM 100 năm qua, chợ Bến Thành không thay đổi quá nhiều. Thế nhưng, ngôi chợ biểu tượng này mỗi ngày vẫn có hơn chục nghìn lượt khách ghé qua.

Không chỉ nguồn khách du lịch, người tiêu dùng đến mua sắm hàng hóa phục vụ nhu cầu hàng ngày cũng rất phổ biến.

“Phải mất tiền gửi xe rồi mới vào được chợ, nhưng tôi vẫn chọn chợ Bến Thành làm điểm mua sắm chính. Tại đây hầu như không thiếu thứ gì, từ quần áo, vải vóc, thực phẩm đến các món hàng đặc sản, đồ ăn vặt…”, chị Thanh Lan ngụ ở quận 1 cách chợ Bến Thành 3km lý giải.

Chính vì buôn bán hiệu quả, rất nhiều sạp kinh doanh ở đây được truyền từ đời này sang đời khác. Điều này cũng tự nhiên tạo nên độ uy tín với khách hàng vì giữ được chất lượng hàng hóa cung cấp.

Cô Cúc tiểu thương chợ cho hay, một ngày dù có ế ẩm lắm, cửa hàng của cô cũng có vài trăm lượt khách ghé qua. Ngoài khách Việt thì khách từ Malaysia, Hàn Quốc, Singapore ngày càng tăng.

“Những năm gần đây chợ Bến Thành phát triển hơn vì chợ không chỉ là nơi mua sắm mà còn là địa điểm tham quan không thể thiếu cho bất cứ tour du lịch nào đến TP HCM. Nhờ thế các món hàng lưu niệm, túi xách hay quần áo nơi đây cũng bán chạy hơn nhiều, đặc biệt là khi khách mua với số lượng lớn”, cô Cúc chia sẻ

1.jpg

Rau Đà Lạt được bán riêng một sạp tại chợ Bến Thành. Ảnh: Hồng Châu.

Một trong những đặc trưng và cũng đem lại nguồn thu lớn cho những chợ ở trung tâm Sài Gòn là cung cấp hàng sỉ ổn định bên cạnh bán lẻ. Chủ sạp cà ri Anh Hai tại chợ Bến Thành cho biết, doanh thu chính của sạp phần lớn đến từ các mối đặt hàng sỉ nhà hàng, khách sạn, quán ăn… Dù bán cho khách lẻ không được là bao, nhưng anh vẫn duy trì cửa hàng giống như địa điểm giao dịch với các mối hàng lớn.

Còn chủ sạp vải ở đây cũng cho biết, bình thường mặt hàng vải rất kén khách tuy nhiên nhờ kết hợp với cắt may tại chỗ nên khá nhiều khách nước ngoài đặt hàng. Giá may sản phẩm ở đây từ vài trăm nghìn cho đến vài triệu đồng.

Ngoài bán hàng vào ban ngày, chợ Bến Thành khá sôi động về đêm, bắt đầu từ 19h tối, hơn 170 quầy hàng đổ ra hai con đường Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh bên hông chợ với các quầy hàng mỹ nghệ, lưu niệm, quần áo và đặc biệt là hàng ăn.

Theo thống kê của Ban quản lý, chợ Bến Thành có tổng diện tích  trên 13.000m², bình quân mỗi ngày đón khoảng 10.000 lượt khách. Chợ có trên 1.400 sạp, 11 doanh nghiệp, 6.000 tiểu thương, với bốn cửa chính,12 cửa phụ tỏa ra bốn hướng.

anh-3.jpg

Người mua kẻ bán ra vào tấp nập chợ Bến Thành mỗi ngày. Ảnh: Hồng Châu.

Bên cạnh chợ biểu tượng thì một số chợ lẻ khác ở trung tâm Sài Gòn như Thị Nghè, Bà Chiểu, Bàn Cờ, Thái Bình… tình hình kinh doanh cũng khá nhộn nhịp mặc dù không còn “hái ra tiền” như trước đó vài năm.

Chị Hương, nhà ở quận 3. Gần nơi chị ở có khá nhiều siêu thị, nhưng thói quen lâu nay của chị vẫn là sáng sớm ghé chợ Bàn Cờ trên đường Nguyễn Đình Chiểu để mua thực phẩm trước khi đi làm.

“Tôi cần mua đồ lúc 6h30 sáng, nhưng giờ đó siêu thị chưa mở cửa. Còn nếu để chiều đi làm về mới ghé vào mua thì lúc đó không còn hàng tươi, sống nữa”, chị Hương giải thích và cho biết thêm do mua quen, nên người bán thường luôn để dành đồ ngon cho chị với giá ưu đãi hơn những khách hàng không phải là “mối ruột”.

Chú Khánh, kinh doanh sản phẩm đồ uống tại chợ Thị Nghè được 20 năm cho hay, thời gian gần đây kinh tế khó khăn nên người dân thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, nhờ đã gắn bó lâu đời ở đây nên có nhiều khách quen. Hiện mức thuế tại các sạp từ 500.000 đến trên triệu đồng mỗi tháng không gây khó khăn nhiều cho hộ kinh doanh như chú.

Cô Thu, bán vải tại chợ này cho biết, mặc dù vải là mặt hàng không còn được ưa chuộng như trước đây vì quần áo bán sẵn ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, các sạp vải ở đây vẫn có đối tượng khách riêng là các bà mẹ lớn tuổi hay những người có kích cỡ khác so với quần áo may sẵn…

Còn tại chợ Bà Chiểu, các quầy hàng được bài trí khá bài bản và theo từng khu vực riêng. Các sạp trái cây tại chợ này được trang trí đẹp mắt nên khá hút khách. Mỗi ngày doanh thu của các tiểu thương ở đây cũng từ vài triệu đồng.

Khảo sát của VnExpress.net với các tiểu thương về việc nếu chợ được xây cao tầng hoặc chuyển đổi thành trung tâm thương mại thì liệu kinh doanh có tốt hơn? Hầu hết tiểu thương cho rằng chỉ nên cải tạo và nâng cấp chợ chứ không nên xây mới vì vừa tốn kém mà lại mất đi nét truyền thống.

Bên cạnh đó, nhiều tiểu thương cũng lý giải, tình hình kinh doanh tại các chợ lẻ hiện nay có phần kém sôi động hơn trước, nguyên nhân là do các chợ tạm mọc tràn lan. Do đó, trước khi tính đến việc xây mới hoặc chuyển đổi, Thành phố phải quản lý tốt việc này.

“Chúng tôi đóng thuế đầy đủ, không thiếu khoản nào cho vệ sinh, phòng chống cháy nổ, trong khi những người bán hàng tự phát bên ngoài chợ vừa không phải thực hiện nghĩa vụ này, lại thuận tiện buôn bán vì không ít khách hàng ngại phải vào chợ”, chị Hoa, một tiểu thương chợ Thị Nghè nói.

Theo thống kê của Sở Công Thương TP HCM, hiện thành phố có khoảng 240 chợ, 170 chợ tạm và khoảng 100 chợ tự phát. Dù đã bị dẹp bỏ nhiều nhưng chợ tự phát vẫn đâu lại vào đấy, hầu hết mọc lên tại các tuyến đường xung quanh chợ, gần các khu công nghiệp, khu dân cư…

Cụ thể, tại Bà Chiểu, ngoài khu chính, chợ tự phát xung quanh lúc nào cũng đông nghẹt khách. Hay dọc kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, khi con đường vừa được cải tạo sạch, đẹp thì chợ tự phát cũng mọc lên, kinh doanh đủ các loại rau củ quả, thủy hải sản.

Đa phần tiểu thương tin tưởng chợ truyền thống vẫn sẽ là kênh phân phối hàng được người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn. Và chợ sẽ ngày càng phát triển hơn nếu quản lý bài bản và chặt chẽ. Khi đó, các sản phẩm trong chợ không chỉ đa dạng mà còn có giá rẻ hơn nhiều so với những nơi khác, đặc biệt là trung tâm thương mại.

Hồng Châu

Để lại một bình luận

0913.756.339