Khu ổ chuột giữa lòng thành phố ‘đáng sống’

Sau 17 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, hơn 100.000 hộ dân thành phố Đà Nẵng đã nhường đất để xây dựng cả nghìn công trình, góp phần chỉnh trang đô thị. Thế nhưng, ngay giữa lòng thành phố “đáng sống” này, từ nhiều năm nay vẫn tồn tại những khu nhà ổ chuột, chật chội nhếch nhác. Người dân sống trong những khu ổ chuột mong sớm thoát khỏi cảnh chật chội này.

Phía trong con hẻm nhỏ này là những nhà hộp diêm chừng 3 đến 4m2

Nằm bên cạnh Trung tâm Thương mại chợ Cồn và Tòa nhà cao tầng siêu thị Big C hoành tráng là khu dân cư Cầu Vồng thuộc phường Hải Châu 2, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Nhiều năm nay, người dân quen gọi là khu nhà ổ chuột. Gọi là “nhà” nhưng nơi cư trú của bà Nguyễn Thị Cúc, tổ 27, phường Hải Châu 2 giống như một cái lô cốt, diện tích sàn khoảng 4 mét vuông. Để có chỗ ăn nghỉ, lối đi lại, toàn bộ vật dụng từ soong, nồi, bát chảo, đồ dùng sinh hoạt treo chằng chịt trên tường. Năm nay gần 70 tuổi, ước mơ được thoát cảnh nhà chật chội của bà Nguyễn Thị Cúc quá xa vời.
Lối vào nhà chị Đào Thị Thu Huyền

Hoàn cảnh gia đình chị Đào Thị Thu Huyền, ổ tổ 27 phường Hải Châu 2 còn tệ hại hơn. “Căn nhà” chị nằm sâu trong một đường luồng hẹp, kẹp giữa 2 bức tường ẩm mốc. Muốn vào được nhà phải đi bộ, nghiêng người lách qua. Chi Huyền rưng rưng nước mắt kể lại, 5 năm trước chị lập gia đình, sinh con. Ba mẹ cắt cho một phần đất chưa đầy 4 mét vuông của cái cái chuồng nuôi lợn để cải tạo lại làm nơi trú ngụ. Trong nhà không có vật dùng gì đáng giá, 2 vợ chồng chị phải làm thuê mướn đủ việc ở chợ Cồn kiếm sống qua ngày. Chị Huyền lại mắc bệnh tiểu đường nhiều năm nay, đã nghèo lại đeo cái khổ: “Chồng tôi là cựu chiến binh. Tôi có làm đơn xin chung cư nhưng nộp đơn cho phường 3,4 năm nay rồi mà không thấy được xét duyệt”.

Khu dân cư Cầu Vồng thuộc các tổ 11, 12, 13, 27 phường Hải Châu 2, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng hiện có gần 100 căn hộ siêu nhỏ, diện tích từ 3 đến 5 mét vuông. Hầu hết người dân ở đây làm thuê cho các hộ kinh doanh, buôn bán ở chợ Cồn. Đàn ông thì bốc vác, chạy xe ôm, giữ xe… phụ nữ thì gánh nước ở chợ, bóc vỏ hành tỏi, rửa chén bát… Kinh tế khó khăn khiến nhiều gia đình 3, 4 thế hệ sống chen chúc trong một không gian chật hẹp. Nhiều nhà không có khu vệ sinh phải đi nhờ vệ sinh công cộng ở chợ.

Những chuồng cu tạm bợ treo lừng lững trên những con hẻm nhỏ

“Cuộc sống hiện tại rất khổ. Thế hệ trước đông con, rồi không học hành, lớn lên lấy vợ thêm rồi sinh đẻ thêm, không có điều kiện mua đất. Nghe có quy hoạch giải tỏa từ lâu rồi nhưng chưa thấy đâu. Dân ở đây cũng muốn có qui hoạch lắm” – ông Nguyễn Đức Đình, Tổ trưởng Tổ 27, phường Hải Châu 2, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng cho biết, điều lo lắng là tương lai của con trẻ mờ mịt, tệ nạn xã hội cũng sinh ra từ đây.

Ông Huỳnh Đức Thơ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng thừa nhận, Khu ổ chuột cầu Vòng quanh chợ Cồn nằm trong quy hoạch xây dựng trung tâm thương mại. Hiện nay, thành phố đang chuẩn bị hồ sơ kêu gọi nhà đầu tư xúc tiến dự án này. Trước đây, thành phố cũng đã nghiên cứu, khảo sát đưa ra nhiều phương án giải quyết nhưng khó khăn là bố trí đất tái định cư.

Giải tỏa, bố trí đất tái định cư tại chỗ cho 200 hộ dân ở khu vực trung tâm thành phố là rất khó, vì quỹ đất tại chỗ không còn. Còn giải tỏa đưa dân đi một nơi khác thì dân không muốn, bởi cuộc sống của họ đã gắn bó với chợ từ bấy lâu nay.

Ông Huỳnh Đức Thơ khẳng định, dù khó khăn đến mấy, sắp tới thành phố cũng quyết tâm giải quyết, không thể để một khu ổ chuột giữa lòng thành phố: “Khó không có nghĩa là không làm và để mãi tình trạng đó. Phải thay đổi, nhưng phải có thời gian và kinh phí. Sẽ gặp gỡ, tìm hiểu nguyện vọng bà con, nghiên cứu cách làm phù hợp để nâng cấp điều kiện sống ở khu vực đó. Ví dụ như giải tỏa hết làm lại một chung cư, bằng cách này cách khác cũng phải thay đổi chỗ đó”.

Đà Nẵng vốn thành công với công tác chỉnh trang đô thị, được nhiều địa phương khác học tập kinh nghiệm. Cả trăm dự án triệu đô liên quan đến qui hoạch, giải tỏa đã và đang triển khai. Thế nhưng, một khu nhà ổ chuột nằm giữa lòng thành phố lớn, tồn tại nhiều năm qua là một thực tế nhức nhối.

Biết đến bao giờ bà con mới thoát khỏi những ngôi nhà ổ chuột ngay giữa lòng thành phố “đáng sống” này?./.

0913.756.339