Chật vật việc thành lập ban quản trị nhà chung cư

Khó từ chung cư cũ

Trên địa bàn Hà Nội có 478 chung cư thì mới chỉ có 95 nhà chung cư có BQT, chiếm chưa đầy 20%, còn lại hơn 80% vẫn do chủ đầu tư đứng ra quản lý vận hành dẫn đến việc “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Chung cư hai tòa nhà NC1 và NC2 ở La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội, được đưa vào sử dụng từ năm 2008, 6 năm đã trôi qua nhưng chưa có một BQT nào được thành lập. Cư dân đã nhiều lần đề nghị chủ đầu tư tổ chức hội nghị dân cư trong chung cư để bầu BQT nhưng chủ đầu tư lờ đi. Đến nay, cư dân đành tự mình soạn thảo nội quy quản lý sử dụng nhà chung cư cùng với quy chế hoạt động của BQT rồi tổ chức hội nghị trù bị lấy ý kiến cư dân, đồng thời thông qua bản dự thảo nội quy, quy chế. Sau đó, các hộ dân làm công văn đề nghị chính quyền địa phương là UBND quận Hà Đông, UBND phường La Khê có văn bản chính thức đề nghị chủ đầu tư tổ chức hội nghị chung cư bầu BQT để giao quyền tự quản cho người dân theo đúng quy định của pháp luật.

Chung cư Đại Thanh, Thanh Trì (Hà Nội) chưa thành lập được ban quản trị.

Tương tự như vậy, một loạt các chung cư đưa vào sử dụng đã lâu, như chung cư M3, M4 Nguyễn Chí Thanh đưa vào hoạt động từ năm 2004 nhưng chủ đầu tư cũng lờ đi kiến nghị của dân về thành lập BQT, chung cư khu vực Trung Hòa-Nhân Chính, Nam Từ Liêm, Việt Hưng-Long Biên… cũng chưa có BQT và liên tục phát sinh những bức xúc trong cuộc sống hằng ngày khó được giải quyết ngay.

Đến chung cư mới

Chung cư Đại Thanh, đường Phan Trọng Tuệ, Thanh Trì, Hà Nội, gồm 6 tòa nhà, 3 tòa CT8 và 3 tòa CT10 mới đưa vào sử dụng khoảng một năm, nhưng cư dân đã phải đối diện với một loạt vấn đề mâu thuẫn với chủ đầu tư về nước sinh hoạt thiếu, vệ sinh môi trường, thái độ phục vụ thiếu nhã nhặn của bảo vệ, diện tích chung bị chủ đầu tư tận dụng cho thuê để tận thu… Tòa nhà CT10 có tổ chức cơ cấu khá quy củ, gồm các trưởng, phó tầng và bầu ra ban đại diện của tòa nhà. Trưởng ban đại diện là người có hiểu biết về luật, năng nổ, nhiệt tình. Nhưng khi trưởng ban đại diện vừa tuyên bố vai trò ban đại diện đã hết để “dọn đường” cho việc bầu BQT làm việc về các vấn đề lớn hơn như: Phí bảo trì, giải trình thu chi, hạch toán tài chính của tòa nhà, tính toán diện tích thiếu hụt… thì chủ đầu tư lại triệu tập cuộc họp trưởng, phó tầng và sắp xếp để 3 người của 3 tầng đã từng bị vị trưởng ban đại diện phê phán, nêu tên trên bảng trong sảnh tòa nhà vì chống lại chủ trương chung của tòa nhà, lần lượt “tố ngược” trưởng ban đại diện. Trưởng tòa nhà lập tức hô hào bầu lại ban đại diện. Sau khi ban đại diện mới ra đời đúng với ý định của chủ đầu tư, chủ đầu tư đưa ra thông báo làm “sổ đỏ” thu phí hơn 5 triệu đồng… Trong khi các khoản thu phí của hơn 4000 hộ dân cùng với khoản thu từ hầm để xe tòa nhà, tiền cho thuê diện tích chung để kinh doanh… dân không biết được sử dụng ra sao, chi vào những việc gì thì chủ đầu tư chưa có một báo cáo giải trình nào. Dân cư rất bức xúc và đang cùng nhau tìm cách xúc tiến việc thành lập một BQT thực sự của dân một cách đúng pháp luật, để được chính quyền công nhận và bảo vệ lợi ích cư dân một cách danh chính ngôn thuận.

Chung cư Nam Đô tại Trương Định-Hoàng Mai cũng được đưa vào sử dụng một năm và có nhiều vấn đề căng thẳng với chủ đầu tư về nước sinh hoạt bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe người dân. Cư dân cũng kiến nghị nhiều lần việc thành lập BQT nhưng không được đáp ứng, nên cư dân phải làm việc với chủ đầu tư theo hình thức Ban liên lạc.

Theo quyết định về quản lý và sử dụng nhà chung cư do UBND thành phố ban hành năm 2013, thì không quá 12 tháng chung cư đưa vào hoạt động và có hơn 50% dân về ở, chủ đầu tư phải tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu để bầu BQT và trình chính quyền ra quyết định công nhận BQT, nhưng hầu hết quá thời hạn một năm trôi qua, các chủ đầu tư đều không mảy may đả động đến việc tổ chức hội nghị chung cư lần đầu để thành lập ra BQT.

Chính quyền vào cuộc gỡ rối

Việc chủ đầu tư không muốn thành lập BQT, thậm chí là tìm cách ngăn cản cũng chỉ vì dính dáng đến lợi ích. Chủ đầu tư muốn gắn trách nhiệm của mình với tòa nhà nhưng lại không muốn minh bạch các khoản thu chi-điều mà cư dân mong muốn. Nếu thành lập BQT thì chủ đầu tư chỉ có một người trong BQT, mà hoạt động của BQT thì tuân theo nguyên tắc đa số nên tiếng nói chủ đầu tư sẽ yếu thế, không thể muốn làm gì thì làm.

BQT khó thành lập do vướng mắc với chủ đầu tư làm chung cư không có BQT là nguyên nhân lớn nhất, nhưng cũng có trường hợp, cư dân chung cư không mặn mà với việc thành lập BQT. Có những hội nghị chung cư không có đủ 50% số cư dân tham gia nên không đủ điểu kiện để bầu BQT, vì thế mà có hội nghị chung cư người trong BQT phải bê thùng phiếu đi đến từng nhà để thúc cư dân bỏ phiếu, đáp ứng yêu cầu việc bầu BQT đúng với quy định của pháp luật.

Trước tình trạng này, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu UBND các quận, huyện tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ các tòa nhà chung cư để đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương tổ chức hội nghị nhà chung cư theo đúng quy định, phối hợp với UBND các quận, huyện giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác quản lý sử dụng, vận hành nhà chung cư, đồng thời sẽ xử lý nghiêm tập thể, cá nhân cản trở việc thành lập BQT nhà chung cư.

Như Hoa (QĐND)

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Để lại một bình luận

0913.756.339