Nhiều gian hàng ở Trung tâm thương mại Parkson (phố Thái Hà, quận Đống Đa) giảm giá sâu, nhưng vẫn vắng khách.
Dạo qua mấy tầng của khu trung tâm thương mại Lotte Center dễ nhận thấy khung cảnh chung là sự sang trọng, hiện đại, sạch sẽ. Các gian hàng bố trí đẹp mắt, hàng hóa phong phú, nhân viên phục vụ lịch sự, nhưng rất thưa vắng khách hàng. Tại nhiều quầy bán mỹ phẩm, các nhân viên tụm đầu nói chuyện vì không có khách. Cửa hàng khác, nhân viên chăm chú lướt web trên điện thoại cầm tay, cả gian hàng không có ai ghé vào. Lác đác vài người khách dạo bước giữa các lối đi trong trung tâm thương mại, nhưng cũng chỉ ngó, liếc qua hàng hóa chứ không mua sắm. Khu dịch vụ ăn uống cũng không nhộn nhịp hơn. Các dãy bàn chỉ có một, hai vị khách, chủ yếu là người nước ngoài. Anh Nguyễn Bá Hùng, nhân viên phục vụ khu bán đồ ăn nhanh cho biết, chỉ vào dịp nghỉ lễ hoặc cuối tuần, lượng khách mới nhỉnh hơn một chút. Ngày thường, nhất là các buổi sáng, hầu như không có khách. Nhiều cửa hiệu ở đây đã treo biển giảm giá, thậm chí giảm đến 50% nhưng tình hình cũng không khá hơn. Theo anh Lê Vũ Dương, nhà ở phố Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm), Lotte Center không có gì nổi bật hơn những trung tâm thương mại trước đó. Nơi đây lại thiếu rạp chiếu phim, cho nên không thu hút được khách hàng trẻ, gia đình.
Lotte Center không phải là trường hợp duy nhất. Tình cảnh chung của nhiều trung tâm thương mại lớn như Parkson, Tràng Tiền Plaza, Royal City, Chợ Hàng Da… là sự vắng vẻ, ế ẩm. Thời gian đầu mở cửa, chủ đầu tư đã phải khuyến nghị người dân không đến Royal City vào những ngày nghỉ lễ, cuối tuần vì e ngại quá tải. Nhưng điểm đến đầy sức hút này cũng đang “nguội” dần. Nhiều cửa hàng thường xuyên giảm giá, khuyến mại nhưng cũng không khả quan hơn. Nhiều cửa hàng, quầy dịch vụ phải đóng cửa do vắng khách mua. Nhiều diện tích trống trơn vì không có khách thuê. Tọa lạc giữa trung tâm Thủ đô, hơn một năm sau ngày mở cửa trở lại, tình hình của Tràng Tiền Plaza èo uột. Khách hàng chủ yếu vào đây để tham quan, rất ít người mua sắm. Hiện nay, trung tâm thương mại này đã tạm ngừng hoạt động tại các tầng 3, 4, 6 và một phần tầng 5 để cải tạo.
Có nhiều lý do khiến các trung tâm thương mại hiện đại, được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng lâm vào cảnh vắng vẻ, khó làm ăn buôn bán. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là mức giá hàng hóa chưa phù hợp với thu nhập của phần lớn người dân. Các sản phẩm hàng hiệu luôn có mức giá “ngất ngưởng”, chỉ nhận được sự quan tâm của một bộ phận người giàu có, chi tiêu mạnh tay. Dịch vụ ăn uống thì quá cao so với bên ngoài. Tại Lotte Center, một bát phở bò có giá 200 nghìn đồng; phở gà giá 130 nghìn đồng/bát; bia Hà Nội giá 120 nghìn đồng/chai…, chưa kể 10% phí VAT hoặc 5% phí phục vụ. Mức giá “trên trời” này khiến nhiều khách hàng không dám quay lại lần thứ hai. Ngoài ra, so sánh về độ thuận tiện khi mua sắm tại các siêu thị nhỏ lẻ, chợ dân sinh, cửa hàng, cửa hiệu mặt phố thì khó có trung tâm thương mại nào cạnh tranh nổi. Nhiều người đến trung tâm thương mại có khi chỉ để tham quan, thư giãn hoặc đơn giản hơn là “tránh nóng”, “tránh bụi”…
Để cải thiện tình trạng nêu trên, nhiều trung tâm thương mại đang có sự thay đổi về cơ cấu hàng hóa, giảm số lượng hàng giá cao, tăng số lượng hàng hóa có mức giá trung bình, phù hợp với thu nhập của phần lớn khách hàng. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng áp dụng một số hình thức giảm giá, khuyến mại chi phí thuê mặt sàn để thu hút doanh nghiệp vào kinh doanh.
Gia Minh (Nhân Dân)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.