Buộc chủ đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tại các khu đô thị: Vấn đề không quá khó!


Trước những động thái quyết liệt của thành phố, thời gian gần đây, nhiều chủ đầu tư dự án KĐT mới đã triển khai xây dựng trạm xử lý nước thải theo quy hoạch được duyệt. Tổng Công ty Viglacera, chủ đầu tư dự án KĐT Đặng Xá (Gia Lâm) đã đầu tư hai trạm xử lý nước thải, sau khi KĐT này đón hàng nghìn cư dân về sinh sống. Theo kế hoạch tiến độ, hai trạm xử lý nước thải này sẽ chính thức vận hành dịp 30-4 tới. Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), chủ đầu tư KĐT mới Việt Hưng (Long Biên) cũng triển khai xây dựng trạm xử lý nước thải. Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn, trạm này phải hoàn thành cuối năm 2015, đầu năm 2016, nếu không thành phố không giao dự án khác cho chủ đầu tư.

Tình trạng thiếu trạm xử lý nước thải tại các KĐT đã khiến dư luận bức xúc. Báo cáo giám sát của HĐND TP Hà Nội về tình hình đầu tư các dự án KĐT mới năm 2014 cho thấy: Trong quá trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án đầu tư, các chủ đầu tư đều thiết kế trạm xử lý nước thải, song thực tế, số dự án được đưa vào vận hành rất ít. Tính sơ bộ có KĐT mới Mỹ Đình II đang vận hành trạm xử lý nước thải công suất 1.300m3/ ngày đêm, do chủ đầu tư – Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị HUD xây dựng, quản lý. KĐT Bắc An Khánh (Hoài Đức) thiết kế trạm xử lý nước thải công suất 18.400m3/ ngày đêm, chủ đầu tư đã xây dựng xong, hiện lắp đặt thiết bị giai đoạn 1 công suất 9.200m3/ngày đêm. Khu chức năng đô thị và nhà ở cao cấp Royal City do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư đã đưa vào vận hành trạm xử lý nước thải công suất 4.500m3. Cũng chủ đầu tư này, Khu chức năng đô thị Times City vận hành trạm xử lý nước thải 2.700m3/ ngày đêm. KĐT Văn Khê (Hà Đông) đã xây dựng xong phần thô trạm xử lý nước thải…

Quy định đã rõ…

Trưởng phòng Quản lý các dự án KĐT (Sở Xây dựng) Đào Anh Tuấn cho biết, thực hiện chỉ đạo của thành phố về việc rà soát các dự án KĐT mới, Sở đã có văn bản đôn đốc UBND quận, huyện, chủ đầu tư; trong đó riêng phần hạ tầng kỹ thuật – xã hội phải nêu rõ tiến độ hoàn thành. Tuy chưa có số liệu chính thức về tình trạng đầu tư trạm xử lý nước thải nhưng về thiết kế, theo ông Đào Anh Tuấn, những KĐT lớn thường có trạm xử lý nước thải riêng. Những KĐT quy mô nhỏ, ba hoặc bốn dự án chung một trạm xử lý. Hoặc có khu vực, không có trạm xử lý riêng mà nước thải sẽ được thu gom đưa về các trạm xử lý tập trung do thành phố đầu tư.

Thực tế, trước thời điểm Luật Môi trường có hiệu lực (1-7-2006), nhiều KĐT mới không quy hoạch trạm xử lý nước thải riêng. Những KĐT này (Mỹ Đình I, Trung Hòa – Nhân Chính, Làng quốc tế Thăng Long, Linh Đàm, Định Công, Pháp Vân – Tứ Hiệp, Văn Quán…) nước thải sau khi qua xử lý sơ bộ bằng hệ thống bể tự hoại của công trình sẽ chảy ra hệ thống thoát nước và được đưa về trạm xử lý tập trung của thành phố. Tuy nhiên, các trạm xử lý tập trung theo quy hoạch chưa được đầu tư đầy đủ nên ước tính 80% lượng nước thải xả trực tiếp xuống kênh, mương, sông thoát nước.

Sau khi Luật Môi trường có hiệu lực, cơ bản các dự án KĐT khi phê duyệt quy hoạch, dự án đầu tư, đều yêu cầu có hạng mục trạm xử lý nước thải. Gần đây, hạng mục xử lý nước thải là điều kiện bắt buộc khi phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường để tránh tình trạng phải xây dựng hệ thống thu gom tập trung vừa tốn kém kinh phí đầu tư mà hiệu quả lại thấp. Thế nhưng lại xuất hiện tình trạng làm nhà để bán trước, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật sau nên chủ đầu tư tìm cách trì hoãn, chờ đông dân cư về sinh sống mới tiến hành xây dựng trạm xử lý nước thải. Theo báo cáo giám sát của HĐND TP Hà Nội, những KĐT lớn có quy hoạch trạm xử lý nước thải nhưng chưa xây dựng là Ciputra, Yên Hòa… Thậm chí, có KĐT lớn đã cơ bản hoàn thành, nhiều người chuyển đến sinh sống hình thành các tổ dân phố nhưng chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện trạm xử lý nước thải.

Theo Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm, sở dĩ có chuyện nhà đầu tư KĐT mới trì hoãn xây dựng trạm xử lý nước thải là do cơ quan quản lý chưa nghiêm. Xử lý những trường hợp này không quá khó, đơn giản nếu anh không hoàn thiện hạ tầng, tôi không cho phép anh được bán hàng. Với KĐT đã có đông người đến sinh sống, mời cảnh sát môi trường, cơ quan quản lý vào kiểm tra. Dự án phê duyệt quy hoạch có trạm xử lý nước thải mà kiểm tra không có thì rõ ràng là vi phạm – ông Liêm nói.

Dưới góc độ quy hoạch, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, không phải KĐT nào cũng bắt buộc phải có trạm xử lý nước thải riêng. Khu nhà ở quy mô nhỏ chỉ cần xử lý sơ bộ có thể đưa ra hệ thống của thành phố. Vì vậy, vấn đề đặt ra là kiểm tra việc kết nối hệ thống thoát nước của dự án với hệ thống của thành phố như thế nào? Có bảo đảm được xử lý sơ bộ trước khi vào hệ thống xử lý chung hay không? Mặt khác, kiểm tra việc các KĐT đã thực hiện việc tách riêng hệ thống thoát nước mặt và nước thải theo quy định. Đây cũng là yêu cầu quan trọng với các dự án KĐT mới.

0913.756.339