Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Sẽ tăng cường thanh tra xây dựng

Đánh giá lại kết quả hoạt động của ngành năm 2014, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: Ngành Xây dựng bước vào thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2014 trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp, kinh tế phục hồi chậm hơn dự báo; trong nước kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế có bước phục hồi nhưng môi trường kinh doanh và năng suất, hiệu quả của nền kinh tế còn thấp; chất lượng, hiệu quả, năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của Ngành và của một số sản phẩm chủ yếu còn hạn chế; các doanh nghiệp ngành Xây dựng vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển…

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị

Trong bối cảnh đó, ngay từ đầu năm Bộ Xây dựng đã nghiêm túc triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp và đã đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Trong đó, các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội chủ yếu của ngành Xây dựng vẫn duy trì được sự tăng trưởng theo kế hoạch đã đề ra, góp phần vào những chuyển biến tích cực của nền kinh tế đất nước. Đáng chú ý là giá trị sản xuất ngành Xây dựng năm 2014 đạt 849.000 tỷ đồng (tăng 10,2% so với năm 2013); Tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 34,5% (tăng 1,03% so với năm 2013); Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 20,6 m2 sàn/người (tăng 1m2 sàn/người so với năm 2013); cả nước có khoảng 1,8 triệu m2 nhà ở xã hội. Tổng sản lượng xi măng tiêu thụ khoảng 70,6 triệu tấn, đạt 110,3% kế hoạch, tăng 15% so với năm 2013.

Cùng với đó, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý nhà nước ngành Xây dựng phù hợp cơ chế thị trường, định hướng XHCN được tập trung thực hiện, với những quan điểm, tư tưởng đổi mới căn bản, mang tính đột phá; chất lượng văn bản quy phạm pháp luật được nâng lên một bước, qua đó đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Ngành.

Đặc biệt, Bộ đã hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua 3 dự án Luật quan trọng, bao gồm: Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), với những quan điểm, tư tưởng đổi mới căn bản, mang tính đột phá.

Công tác quản lý đầu tư xây dựng, Bộ trưởng đánh giá: ’được tăng cường, góp phần tích cực chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư”.

Công tác lập quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn được tập trung thực hiện và có nhiều đổi mới; công tác quản lý, kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch đã có những chuyển biến tích cực, từng bước đảm bảo sự phát triển đô thị hài hòa, bền vững.

Hoàn thành 102 dự án nhà ở xã hội

Về công tác phát triển nhà ở theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, Bộ trưởng khẳng định, vẫn tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở người dân, đặc biệt các đối tượng người có công, người nghèo ở khu vực thường xuyên bị bão, lũ, ngập lụt, người thu nhập thấp đô thị có khó khăn về nhà ở.

Trong đó, trên cả nước, việc phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị đã hoàn thành đầu tư xây dựng 102 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 38 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng 19.686 căn hộ; 64 dự án nhà ở cho công nhân, với quy mô xây dựng 20.277 căn hộ. Hiện đang tiếp tục triển khai 150 dự án, trong đó có 91 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng khoảng 55.830 căn hộ; 59 dự án nhà ở cho công nhân, quy mô xây dựng khoảng 66.753 căn hộ. Chương trình phát triển nhà ở sinh viên đã có 75 dự án hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng, giải quyết chỗ ở cho khoảng 145.000 sinh viên.

Tồn kho bất động sản còn lớn

Riêng về thị trường bất động sản, năm 2014, theo đánh giá của Bộ trưởng, đã có sự chuyển biến tích cực, thị trường đang ấm dần lên. Trong đó, cả năm qua, tại Hà Nội có khoảng 11.450 giao dịch thành công (tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2013), tại TP.HCM có khoảng 10.350 giao dịch thành công (tăng khoảng 30% so với năm 2013).

Mặt bằng giá cả nhà ở nhìn chung là ổn định, nhiều dự án trong giai đoạn 2011-2013 giá đã giảm sâu (trên 30%), trong 12 tháng qua giá đã ổn định và không giảm tiếp. Tại Hà Nội, một số dự án có vị trí tốt, đã hoàn thành hoặc sắp đưa vào sử dụng giá có tăng nhẹ (khoảng 1-2%) so với năm 2013.

Trong tình hình đó, tồn kho bất động sản tiếp tục giảm. Tính đến ngày 15/12/2014, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 73.889 tỷ đồng, giảm 20.569 tỷ đồng (giảm 21,8%) so với tháng 12/2013. Cơ cấu hàng hóa bất động sản cũng được điều chỉnh hợp lý hơn. Dư nợ tín dụng bất động sản tính đến 31/10/2014 tăng 14,08% so với thời điểm 31/12/2013, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (13,13%). Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI .

Tuy nhiên, tính đến nay, theo đánh giá của Bộ trưởng, tồn kho bất động sản vẫn rất lớn. Tình trạng dự án kéo dài thời gian xây dựng so với quy định vẫn còn nhiều.

Năm 2015 sẽ thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ nhà ở

Về nhiệm vụ năm 2015, Bộ Xây dựng đặt ra chỉ tiêu: Tỉ lệ đô thị hóa đạt khoảng 35,5%. Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 80,5-81%, tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch giảm xuống còn 25%, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt khoảng 84,5-85%. Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 21,5m2 sàn/người. Tổng sản lượng xi măng tiêu thụ đạt khoảng 70-72 triệu tấn. Giá trị sản xuất xây dựng toàn Ngành (tính theo giá hiện hành) tăng khoảng 10% so với năm 2014.

Đề đạt chỉ tiêu kế hoạch nêu trên, Bộ Xây dựng sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành; đổi mới và tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát trong đầu tư xây dựng; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch xây dựng; kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch;

Bên cạnh đó, sẽ thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, người nghèo khu vực nông thôn, khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, lũ. Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị, nhà ở cho công nhân, nhà ở cho sinh viên.

Và, Bộ cũng sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội. Tiếp tục rà soát, phân loại, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa các dự án bất động sản; đẩy mạnh tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích trung bình và nhỏ, giá bán thấp; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân được tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng; Tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành xây dựng, tích cực phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngành.…./.

Xuân Thân (VOV)

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

0913.756.339