Sau 2 năm, Việt Nam tăng 16 bậc
– Năm 2014 vừa qua được coi là “vụ mùa thu hoạch” các dự án của ngành giao thông với hàng loạt công trình được khởi công hay đưa vào sử dụng. Bộ trưởng nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
Bộ trưởng Đinh La Thăng:Trong Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), được thực hiện hai năm một lần, năm 2014, năng lực và chất lượng của hạ tầng giao thông Việt Nam đứng vị trí 74, tăng 16 bậc so với năm 2012 và tăng 29 bậc so với năm 2010. Đây là bước tiến nổi bật của ngành giao thông.
Trong năm qua, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành và đưa vào khai thác 79 công trình, dự án, trong đó hầu hết các dự án đều đạt tiến độ và đảm bảo chất lượng, khi đưa vào khai thác sẽ tạo được động lực rất lớn cho phát triển và làm thay đổi diện mạo đất nước.
Hiện còn 124 công trình, dự án khác đang trong giai đoạn thi công, trong đó có những dự án quan trọng như cầu Vàm Cống, Cao Lãnh; đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, Bến Lức-Long Thành; đường ôtô Tân Vũ-Lạch Huyện… đều được triển khai đúng kế hoạch, kiểm soát nghiêm ngặt về tiến độ chất lượng thi công cũng như năng lực quản lý, điều hành.
Bên cạnh đó, công tác triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trong năm qua được Bộ Giao thông Vận tải thể hiện ở hai việc song song, đó là tăng cường tính hiệu quả của công tác quản lý và đẩy mạnh thi công, nâng cao chất lượng công trình, tìm kiếm các nguồn lực cho những công trình mới.
“Mọi sự cố trước hết là do con người”
– Nhiều dự án vượt tiến độ và đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn một số dự án gặp sự cố về chất lượng. Vậy, Bộ Giao thông Vận tải sẽ có biện pháp gì để khắc phục thực trạng này, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Đinh La Thăng:Về những sự cố đã xảy ra, rất khó để loại trừ tận gốc như dư luận mong muốn bởi công trình giao thông là một loại công trình xây dựng đặc biệt, phụ thuộc vào những yếu tố rất khó kiểm soát hoàn toàn.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan cũng phải thừa nhận còn nhiều nguyên nhân chủ quan như nhà thầu chưa tuân thủ đầy đủ quy trình thi công, tư vấn giám sát thiếu trách nhiệm, chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án thiếu kiểm tra, không kiên quyết chấn chỉnh vi phạm chất lượng… Thậm chí không loại trừ cả nguyên nhân các chủ thể bắt tay nhau vụ lợi.
Trước mỗi sự cố như vậy, ban lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải không tìm cách né tránh mà nghiêm khắc nhận trách nhiệm. Dù nguyên nhân do khách quan hay chủ quan, chúng tôi đều tiến hành kiểm điểm, đánh giá, phân tích và quy trách nhiệm cụ thể, rút ra bài học, với phương châm mọi sự cố trước hết là do con người.
Để hằn vệt bánh xe; để lún, nứt đường… là do các bộ phận, người đứng đầu chưa làm hết trách nhiệm. Với những biện pháp như vậy, chất lượng các công trình đã có chuyển biến rất rõ và hy vọng sẽ ngày một tốt hơn.
“Hết năm 2015, Bộ chỉ còn 16 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước”
– Một số dự án vượt tiến độ và được Bộ Giao thông Vận tải khen thưởng. Liệu, Bộ có lo ngại trường hợp khi triển khai dự án, các bộ phận bắt tay với nhau để dự án về đích sớm nên rất dễ vượt tiến độ để được thưởng?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Nếu có sự bắt tay như vậy, thì chỉ là thỏa thuận phối hợp giữa các bộ phận để tiến độ không bị chậm, đỡ bị phạt, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế. Tôi có cơ sở, cả trên lý thuyết và thực tế, để khẳng định như vậy.
Vì sao tôi dám khẳng định như vậy, vì về nguyên tắc, tiến độ thực hiện dự án, tiến độ thực hiện từng gói thầu đều được tư vấn tính toán chi tiết, khoa học trên cơ sở khối lượng, các biện pháp thi công, công nghệ sử dụng trong gói thầu.
Liệu có thể dễ dàng trong những thỏa thuận ngầm luôn có nguy cơ rất cao bị phanh phui và bị trừng phạt nghiêm khắc? Xét trên vấn đề lợi ích thôi (chưa tính đến khía cạnh bị giám sát, bị kiểm soát bởi pháp luật và hệ thống quy định mà tôi vừa nói), điều đó đã không thể xảy ra.
Ngoài ra, việc khen thưởng vượt tiến độ là cách thức ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của nhà thầu, tư vấn giám sát… Số tiền thưởng có vẻ rất lớn nhưng cũng chỉ bằng phần nhỏ so với lợi ích có được từ việc công trình đưa vào khai thác trước thời hạn. Nếu không thấy hết mọi khía cạnh của vấn đề, chúng ta có thể sẽ vô tình làm cụt hứng, thậm chí nhụt chí những nỗ lực cá nhân hoặc tập thể nào đó vì lợi ích của cộng đồng.
– Xin Bộ trưởng cho biết nhiệm vụ trọng tâm cũng như chủ trương của ngành trong năm 2015 tới đây sẽ như thế nào?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Ngành phấn đấu khởi công 38 công trình, dự án; hoàn thành 114 công trình, dự án. Trước hết là cuộc đua nước rút để hoàn thành dự án cải tạo Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên, đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng…
Nằm trong chiến lược đa dạng hóa nguồn vốn, chúng tôi cũng đang đàm phán việc chuyển nhượng quyền khai thác hạ tầng giao thông cho các đối tác trong nước và nước ngoài đối với một số dự án. Hiện có một số nhà đầu tư đang rất quan tâm đến các dự án đường cao tốc. Nếu hướng đi này thành công thì sẽ thực sự mở ra một giai đoạn mới cho việc đẩy nhanh mục tiêu hiện đại hóa hệ thống hạ tầng giao thông đất nước.
Trong tái cơ cấu doanh nghiệp thì trọng tâm là tái cơ cấu tài chính và hoành thành xong cổ phần hóa đối với hàng loạt các Tổng công ty. Mục tiêu của chúng tôi là sau khi sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp theo kế hoạch, đến hết năm 2015, Bộ Giao thông vận tải chỉ còn lại 16 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoạt động trong những lĩnh vực đặc biệt như đảm bảo an toàn hàng hải, đảm bảo hoạt động bay, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt…
Bên cạnh đó toàn ngành vẫn phải tập trung cao nhất có thể cho công tác đảm bảo an toàn giao thông, tiếp tục nỗ lực để kéo giảm tai nạn giao thông ở cả ba tiêu chí.
– Xin cảm ơn Bộ trưởng về cuộc trao đổi./.
Việt Hùng (Vietnam+)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.