Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy góp ý Luật Quy hoạch

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, hoạt động quy hoạch đang được điều chỉnh tại 52 luật, 07 pháp lệnh và 59 nghị định hướng dẫn luật, pháp lệnh với gần 20.000 quy hoạch các loại được lập để đáp ứng yêu cầu quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, thời gian qua công tác quy hoạch còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém gây khó khăn trong việc điều hành phát triển kinh tế – xã hội, lãng phí nguồn lực đất nước và cản trở việc đầu tư, sản xuất kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

Luật Quy hoạch sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch

Cụ thể, quy hoạch được lập quá nhiều nhưng không rõ đối tượng quản lý, không phù hợp vói kinh tế thị trường gây lãng phí nguồn lực của đất nước; Quy hoạch thiếu gắn kết, không thống nhất và còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn làm giảm hiệu lực, hiệu quả của quy hoạch; Chất lượng quy hoạch thấp, điều chỉnh bổ sung nhiều, quy hoạch không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện và thiếu tính khả thỉ; Việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch bị buông lỏng, chưa xử lý kịp thời và thiếu kiên quyết trong chỉ đạo điều hành.

Từ những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém về công tác quy hoạch, việc đổi mới toàn diện về công tác quy hoạch là cần thiết và cấp bách. Chính vì vậy, việc sớm ban hành Luật Quy hoạch là cần thiết.

Luật Quy hoạch mới nhằm thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch, khắc phục sự chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật của Việt Nam liên quan đến hoạt động quy hoạch.

Cụ thể, quy hoạch phải thực sự là công cụ quản lý điều hành phát triển kinh tế-xã hội, giữ vai trò định hướng, dẫn dắt sự phát triển; đảm bảo tính công khai, minh bạch va tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư, cũng như việc sử dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực của đất nước. Hệ thống quy hoạch phải tuân thủ nguyên tắc từ cao xuống thấp, từ tổng thể đến chi tiết; quy hoạch địa phương phải tuân thủ quy hoạch cấp quốc gia; quy hoạch ngành và quy hoạch chi tiết phải dựa trên quy hoạch tổng thể.

Mục tiêu chính của Luật Quy hoạch là tập trung công tác quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch vào một đầu mối chịu trách nhiệm để giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành của nhà nước được thống nhất từ trung ương đến địa phương; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra thực hiện quy hoạch và xử lý nghiêm các vi phạm quy hoạch.

Dự thảo Luật Quy hoạch bao gồm 6 chương với 67 điều. Trong đó, chương I là các quy định chung, gồm 15 điều. Chương II đến chương V là các quy định chính về việc lập quy hoạch, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch. Chương VI là các điều khoản thi hành, gồm 3 điều.

Về công tác lập quy hoạch, Điều 16 nêu rõ Hội đồng quy hoạch quốc gia trực thuộc Chính phủ sẽ tổ chức lập quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng; các Bộ sẽ tổ chức lập quy hoạch ngành và UBND cấp tỉnh sẽ tổ chức lập quy hoạch cấp tỉnh. Theo dự thảo, Hội đồng quy hoạch quốc gia là cơ quan tư vấn giúp Chính phủ lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch, sẽ tách bạch việc lập quy hoạch và thẩm định quy hoạch. Quy định này góp phần tách bạch việc lập quy hoạch với việc quản lý nhà nước và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Nhằm đảm bảo tính thống nhất với Hiến pháp và các luật có liên quan, dự thảo quy định thẩm quyền phê duyệt: Quốc hội phê duyệt quy hoạch quốc gia; Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng và quy hoạch ngành; Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh.

Đặc biệt, dự thảo quy định rõ việc công bố công khai các quy hoạch sau khi được phê duyệt, hình thức công bố công khai các quy hoạch, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch, thời gian phải công bố quy hoạch để thuận tiện cho việc giám sát, đánh giá quy hoạch, nhất là giám sát, đánh giá của xã hội.

Quy định về hình thức công khai quy hoạch như: họp công bố, in sách, gửi văn bản, niêm yết tại cơ quan nhà nước, công thông tin điện tử… đảm bảo phù hợp với Luật thực hành tiết kiệm, tránh lãng phí.

Nếu được đưa vào triển khai, Luật Quy hoạch sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 và chấm dứt hiệu lực của các luật khác có quy định về hoạt động quy hoạch. Quy hoạch thời kỳ 2011 – 2020 đã được phê duyệt trước ngày Luật này có hiệu lực không phải lập, thẩm định, phê duyệt lại; quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030 sẽ được thực hiện theo quy định của Luật này.

Thanh Huyền (Báo Đầu tư)

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Để lại một bình luận

0913.756.339