Sự thất bại của gói 30.000 tỷ đồng trong việc giải cứu thị trường bất động sản là điều đã thấy rõ khi đề án này mới chỉ ở trên giấy bởi những bất cập của nó. Cho đến nay sau một số lần điều chỉnh theo hướng mở rộng về đối tượng vay, thời hạn vay và điều kiện được vay thì gói 30.000 tỷ vẫn trong trạng thái nguội lạnh. Hiện nay, rải rác trên các trang mạng internet, tờ rơi hay lời giới thiệu của nhân viên môi giới bất động sản vẫn đề cập đến gói 30.000 tỷ đồng như để thu hút thêm khách hàng. Tuy vậy, đối với phần lớn người mua nhà tâm lý háo hức như trước đây giờ đã không còn.
Theo báo cáo của Cục quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), tính đến cuối tháng 8/2014, giải ngân gói 30.000 tỷ đồng cho hộ gia đình, cá nhân mới vay được gần 2.000 tỷ đồng, chưa bằng 10% tổng giá trị chương trình, trong khi mục tiêu là phải giải ngân được 70% gói này.
Những đề xuất của gói “2 tỷ này” đang đặt ra nhiều điều câu hỏi khó có câu thỏa lời thích đáng
Trước bối cảnh đó, mới đây ông Nguyễn Tiến Đông, đại diện Vụ Tín dụng cho biết, NHNN đang nghiên cứu xây dựng gói hỗ trợ vay mua nhà trị giá tối đa 2 tỷ cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang để trình Thủ tướng xin ý kiến. Theo đó, gói hỗ trợ này có mức cho vay tối đa lên tới 75% tổng giá trị hợp đồng, còn lại là vốn tự có của người mua. Một số phương án lãi suất dự kiến cũng được đưa ra, dao động từ 6-7,5%/năm. Thời hạn cho vay kéo dài 10 năm và hạn mức tối đa mỗi khách hàng là 2 tỷ đồng.
Như vậy, so với gói 30.000 tỷ trước đó thì đối tượng ưu tiên bị thu hẹp lại nhưng số tiền lại phình to từ 1,05 tỷ đồng lên 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó gói này cũng đưa ra một yêu cầu khá “khắt khe” là yêu cầu gia đình đối tượng được vay phải có thu nhập khoảng 25 triệu đồng/tháng.
Những đề xuất của gói “2 tỷ này” đang đặt ra nhiều điều câu hỏi khó có câu thỏa lời thích đáng. Câu hỏi đầu tiên ai cũng đặt ra là mục đích của gói đề xuất này của NHNN là gì?
Trước hết nhìn vào đối tượng vay thì có lẽ NHNN đang muốn thay Chính phủ hỗ trợ nhà ở cho những công chức nhà nước. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu bởi nếu hàng triệu công chức nếu chỉ có thu nhập bằng lương thì ngay đến những quan chức cấp cao như bộ trưởng cũng dù có tích góp cả đời cũng khó lòng mua được căn nhà trị giá 2 tỷ đồng.
Điều này lại gặp ngay mâu thuẩn là thu nhập gia đình phải 25 triệu đồng/tháng. Như vậy, ngay cả lương của Thủ tướng, người đứng đầu Chính phủ cũng không thể đáp ứng được điều kiện đó. Với hạn ngạch lương tính theo lương cơ bản hiện nay thì một người tốt nghiệp đại học sẽ có mức lương chưa tới 3 triệu, còn một giáo sư đại học cũng chưa tới 10 triệu đồng. Như vậy, thì thử hỏi có bao nhiêu gia đình công chức có thu nhập bằng lương chạm đến ngưỡng 25 triệu đồng/tháng.
Từ những mâu thuẩn đó cho thấy không rõ NHNN đưa ra gói tín dụng đó nhằm mục đích gì?
Phải chăng trong thời buổi khó khăn về tín dụng NHNN muốn tung ra gói này để đạt mục tiêu về tăng trưởng tín dụng. Điều này không phải là không có lý khi mà đây là một trong những mục tiêu quan trọng trong thành tích về điều hành vĩ mô. Tuy nhiên, chắc chắn dù gói tín dụng này có ra đời cũng khó có một thành tích vĩ đại như ông Nguyễn Tiến Đông lạc quan “Nếu gói tín dụng này được chấp thuận, có thể chỉ trong 1 thời gian ngắn, các ngân hàng có thể giải ngân vài chục nghìn tỷ đồng” .
Bên cạnh những bất cập nêu trên thì còn một băn khoăn rất lớn đối với người dân lẫn ngân hàng là làm sao để lãi suất cho vay lại có thể thấp như vậy. Nếu buộc ngân hàng thương mại phải cho vay với lãi suất thấp thì vi phạm nghiêm trọng quyền tự do kinh doanh của ngân hàng. Nếu NHNN lại tái cấp vốn với lãi suất thấp cho khoản vay này thì điều này giống như việc “in tiền” trợ cấp. Hệ quả là toàn bộ nền kinh tế, trong đó có cả những người nghèo phải gánh chịu khoản chênh lệch lãi suất cho những công chức giàu có mua căn nhà sang trọng với giá tới 2 tỷ đồng.
Như vậy, dưới góc độ nào thì việc NHNN đề xuất gói “2 tỷ đồng” vẫn không thể giải thích được. Phải chăng còn một “bí mật” nào khác mà người trần mắt thịt vẫn chưa nhìn ra.
Hoàng Nam