Đó là nhận định của Timothy Horton, Tổng Giám Đốc Cushman & Wakefield Việt Nam trong báo cáo “Trung Quốc gia nhập thị trường đầu tư bất động sản toàn cầu” vừa công bố.
Theo báo cáo này, tổng vốn đầu tư bất động sản thương mại nước ngoài của Trung Quốc đạt gần 33,7 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2014, tăng gấp 200 lần so với thời điểm năm 2008.
Ted Li, Giám đốc Bộ phận Thị trường vốn, Cushman & Wakefield Trung Quốc nói, các nhà đầu tư Trung Quốc chủ yếu hướng đến đầu tư tại các thị trường phát triển của châu Á, Bắc Mỹ và Châu Âu.
Nhưng dù đầu tư ở đâu, họ thường sử dụng hai mô hình đầu tư phổ biến là xây dựng cơ sở kinh doanh mới hoặc mua bán và sáp nhập (M&A). Các nhà phát triển Trung Quốc thường hợp tác liên doanh với các công ty và tổ chức quốc tế nhằm giảm thiểu rủi ro đầu tư và tiếp cận với đa dạng nhiều kênh tài chính hơn.
Ông Li cũng nói thêm, nhờ vào vị trí địa lí gần với Trung Quốc, số lượng lớn cộng đồng gốc Hoa sống tại các quốc gia Đông Nam Á, bất động sản khu vực này cũng thu hút mối quan tâm của các nhà đầu tư Trung Quốc.
Tại Singapore, các nhà đầu tư Trung Quốc chủ yếu đầu tư vào mảng văn phòng, trong khi đó tại Malaysia, dự án đất trong giai đoạn phát triển được ưu tiên hơn cả.
Tại Việt Nam, phân khúc bất động sản khu công nghiệp chế xuất, sản xuất tiếp tục là lĩnh vực đón nhận nhiều mối quan tâm nhất từ các nhà đầu tư này do chi phí nhân công giá rẻ và vị trí tiếp giáp với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các nhà phát triển quy mô lớn cũng đánh giá cao bất động sản ven biển Việt Nam vốn hầu hết chưa được khai thác và có giá thành hợp lý hơn nhiều so với khu đất có diện tích và vị trí tương tự ở Trung Quốc cũng như các khu vực khác.
Ông Mark Suchy, Giám đốc mảng Tư vấn Đầu tư & Thị trường vốn, Cushman & Wakefield Đông Trung Quốc bình luận, đằng sau xu hướng đầu tư bất động sản nước ngoài của các nhà đầu tư Trung Quốc, có thể thấy nhiều yếu tố thúc đẩy dẫn đến hiện tượng này. Nhiều quy định thắt chặt được áp dụng cùng với tình hình hạ nhiệt của thị trường bất động sản nội địa buộc các nhà đầu tư trong nước đa dạng hóa danh mục đầu tư tại các thị trường phát triển – nơi đang cho thấy nhiều dấu hiệu phục hồi cùng khả năng tăng giá của tài sản, hứa hẹn nguồn lợi nhuận hấp dẫn. Quá trình tái cơ cấu chính sách, việc mạnh lên của đồng nhân dân tệ và tham vọng chiếm lĩnh thị trường quốc tế của các doanh nghiệp Trung Quốc cũng góp phần chuyển hướng dòng vốn ra nước ngoài.
Thanh Thịnh
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.