Điển hình như dự án xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ đa năng và chợ truyền thống Tân Bình. Hay ở công trình cải tạo trung tâm Sài Gòn trên đường Nguyễn Huệ và Lê Lợi trong dự án xây tuyến metro Sài Gòn-Suối Tiên, nhiều người kinh doanh trên hai con đường chính này than phiền họ đã không được tham vấn và có thông tin đầy đủ trong quá trình cải tạo.
Ngoài ra, trong việc cải tạo trung tâm Sài Gòn nhiều người dân Sài Gòn đã lên tiếng không đồng tình khi Thương xá Tax, một biểu tượng của Sài Gòn, sẽ bị phá đi để xây một trung tâm thương mại hiện đại, hàng cổ thụ trên đường Nguyễn Huệ, nhiều cây có trên 100 tuổi đã bị chặt đi.
Để tránh bất cập trong quá trình hình thành và phát triển dự án, có hai vấn đề khác nhau nhưng có liên quan ở đây cần được lưu ý.
Vấn đề thứ nhất là sự mâu thuẩn về quyền lợi kinh tế của các bên liên quan. Cần có sự thương lượng tham vấn giữa các bên để đưa đến giải pháp thỏa đáng về quyền lợi và lợi ích cộng đồng trước khi dự án đi vào thực hiện. Song song đó, phải có sự minh bạch trong tất cả các thông tin liên quan như mục tiêu dự án, chủ đầu tư, nguồn vốn… nhằm ngăn ngừa tình trạng hiểu không đúng giữa các đối tác như chính quyền, chủ đầu tư, các bên trực tiếp liên quan và cộng đồng.
Vấn đề thứ hai không ảnh hưởng trực tiếp trước mắt về kinh tế nhưng trong tương lai lại có ảnh hưởng lâu dài trên các mặt kinh tế, văn hóa, giá trị tinh thần của cộng đồng và thành phố nói chung. Nên có sự đánh giá đúng mức tác động môi trường, di sản của dự án và cần có sự đồng thuận của chính quyền, các đối tác, cộng đồng và giới chuyên môn nói chung.
Những điều bất cập trên tựu trung không phải do các bên liên quan hay cộng đồng chống lại sự phát triển mà vì ngay từ đầu quá trình hình thành và phát triển dự án đã không rõ ràng và thiếu sự tham vấn. Đa số người dân sẽ ủng hộ sự phát triển nếu có sự tham vấn lấy ý kiến từ dân chúng, giới chuyên môn để có một công trình hay dự án phát triển hài hòa mà vẫn giữ được nét văn hóa, cảnh quan và lịch sử của thành phố. Phát triển và bảo tồn không nhất thiết đối chọi nhau mà có khả năng hỗ trợ nhau trong đời sống kinh tế và văn hóa của một xã hội phát triển bền vững và hài hòa.
Trong phạm vi bài viết này, người viết chỉ đưa ra những nguyên tắc, phương pháp và khung pháp lý có thể được dùng để tránh những điều bất cập trong các dự án mà nhiều nơi trong nước đang đối diện nhằm đạt được sự hài hòa giữa phát triển và bảo tồn. Những nguyên tắc và phương pháp này không phải mới vì chúng đã được áp dụng thành công ở nhiều nước.
Bài học quan trọng qua các kinh nghiệm được áp dụng thành công ở nhiều nước là ý thức về di sản văn hóa lịch sử chỉ có thể phát triển và được bảo tồn tốt đẹp, hay di sản được đánh giá đúng giá trị thực của nó khi có sự tham gia của người dân và cộng đồng. Giá trị của một di sản không chỉ dựa vào kinh tế mà còn dựa vào văn hóa và tâm linh. Đây là nguyên tắc cơ bản quan trọng nhất.
Kinh nghiệm của các nước cho thấy, khi có sự tham gia của cộng đồng thì công tác xếp loại, bảo tồn di sản văn hóa lịch sử, cảnh quan sẽ hữu hiệu nhất và sự phát triển sẽ thuận lợi nhất.
Làm sao đánh giá một công trình, vật thể, hay di tích là cần bảo tồn hay không? Ngoài giá trị kinh tế, văn hóa còn có giá trị lịch sử, tinh thần ký ức cộng đồng và cảnh quan cần được xem xét. Để thật công tâm, được mọi đối tác chấp nhận, một cơ quan độc lập – Hội đồng di sản – nên được thành lập để xem xét đánh giá dựa vào luật di sản các công trình. Cơ quan này có danh sách di sản dựa trên nghiên cứu chuyên môn và tham vấn cộng đồng để xác định hiện vật, công trình hay di tích.
Hiện nay ở Việt Nam, đa số các đơn xin phát triển dự án phải được đánh giá tác động qua Luật Môi trường và Luật Di sản nếu chúng có khả năng ảnh hưởng đến môi trường sống, di sản văn hóa, lịch sử hay di sản thiên nhiên được liệt kê trong danh sách di sản đã được công bố. Để có thể truyền bá thông tin tốt hơn, thiết nghĩ các đơn này nên được trưng bày để lấy ý kiến từ dân địa phương. Các ý kiến của dân địa phương hay các tổ chức dân sự sẽ được chuyển đến cho hội đồng di sản xem xét để duyệt các đơn (xin xây cất, công trình phát triển của bất cứ công trình nào). Nếu thấy có ảnh hưởng đến các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên thì Hội đồng sẽ đề nghị với chính quyền địa phương bác đơn. Hội đồng có thể đưa ra quyết định khác với các cơ quan chức năng đã thẩm định và để tùy chính quyền địa phương quyết định. Thực tế ở các nước, đa số các cơ quan chính phủ phải xem xét và thẩm định lại trong các trường hợp này, bổ sung các ý kiến từ hội đồng.
Dưới đây là một số tiêu chuẩn có thể dùng để đánh giá những di sản nào cần có sự bảo tồn hay giữ ít nhiều nguyên trạng khi phát triển:
– Một hiện vật quan trọng đã được biết và ghi trong quá trình lịch sử văn hóa và thiên nhiên cấp địa phương, thành phố hay quốc gia.
– Một hiện vật có liên hệ chặt chẽ và đặc biệt đến cuộc đời hay tác phẩm của một người, một nhóm người, đóng vai trò quan trọng trong lịch sử văn hóa hay thiên nhiên của thành phố.
– Một hiện vật quan trọng có đặc tính mỹ thuật và/hay có sự sáng tạo hay kỹ thuật cao.
– Một hiện vật có liên hệ chặt chẽ và đặc biệt với một cộng đồng hay một nhóm văn hóa ở địa phương về phương diện xã hội, văn hóa hay tâm linh.
– Một hiện vật có khả năng cho biết nhiều thông tin đóng góp vào sự hiểu biết lịch sử văn hóa hay thiên nhiên.
Nói tóm lại sự tham gia của cộng đồng là nguyên tắc cơ bản quan trọng nhất. Họ có thể tham gia đóng góp ý kiến, tham gia thẩm định dự án qua các nhà chuyên môn đại diện tri thức của xã hội. Việc đặt cộng đồng địa phương làm nền tảng trong công tác bảo tồn là ý niệm phù hợp với chính sách chung của nhà nước Việt Nam và không khó để đặt ra một qui trình thực hiện nguyên tắc này. Đã đến lúc chúng ta nên áp dụng nguyên tắc này trong sự phát triển hài hòa bền vững.
Nguyễn Đức Hiệp (TBKTSG)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.