Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh về Báo cáo tái cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng trình Quốc hội.
Trong đó, Phó thủ tướng yêu cầu không đưa kiến nghị về việc xem xét dành một phần chi ngân sách để xử lý nợ xấu của các doanh nghiệp Nhà nước như dự thảo báo cáo.
Không trình Quốc hội kiến nghị dùng ngân sách để xử lý nợ xấu doanh nghiệp Nhà nước. Ảnh: Anh Quân |
Theo một báo cáo đánh giá về tái cơ cấu nền kinh tế gửi tới Thường vụ Quốc hội hồi tháng 10, Bộ Kế hoạch & Đầu tư thừa nhận tái cơ cấu còn chậm nên đề xuất Quốc hội xem xét dành một phần ngân sách để xử lý nợ xấu của các doanh nghiệp Nhà nước.
Liên quan đến các vấn đề khác, đại diện Chính phủ đồng ý về cơ bản với nội dung của báo cáo đánh giá tái cơ cấu kinh tế, song yêu cầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư tiếp tục rà soát, cập nhật lại các số liệu trong báo cáo đến thời điểm gần nhất, chú ý cập nhật số liệu 9 tháng đầu năm 2014 khớp với báo cáo về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước của Bộ Tài chính. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh sẽ thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về nội dung này.
Trước đó, trong báo với tiêu đề “Thách thức còn ở phía trước” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội công bố tháng 11/2013, tổng nợ xấu của doanh nghiệp Nhà nước ước tính vào khoảng 73.000 tỷ đồng (đã bao gồm các khoản nợ cơ cấu lại và nợ của Vinashin). Tuy nhiên, nhóm tác giả báo cáo cũng nhận định trong bối cảnh tỷ lệ nợ công ở mức cao và thâm hụt ngân sách tăng trở lại thì khả năng hỗ trợ của ngân sách để giảm nợ cho khu vực Nhà nước sẽ vô cùng khó khăn. “Điều này hàm ý rằng việc giải quyết nợ xấu của khu vực doanh nghiệp Nhà nước sẽ thực sự là một bài toán nan giải đối với Việt Nam”, tác giả báo cáo cho biết.
Huyền Thư