Chưa có phép xây dựng đã nhận đặt cọc
Ngày 15/1, Tập đoàn FLC công bố sắp mở bán dự án FLC Complex (36 Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Lễ công bố tổ chức rầm rộ tại khách sạn Lotte (Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội). Có hơn 2.000 khách đến tham dự buổi lễ, nhưng hơn nửa là các sàn giao dịch như: Siêu thị dự án, Đất Xanh… Các ông lớn trong ngành ngân hàng cũng có mặt như: BIDV, Vietcombank, Vietinbank, MB. Mặc dù chỉ là lễ công bố dự án, nhưng các sàn giao dịch đưa ra mức giá từ 26 – 29 triệu đồng/m2 tùy từng căn hộ. Đại diện chủ đầu tư cũng xác nhận, đây chỉ là lễ công bố dự án và chưa chính thức mở bán. Siêu thị dự án là nhà phân phối chính thức một phần của dự án. Tuy nhiên, ngay sau đó, các sàn giao dịch đã bước vào cuộc chạy đua “vợt” khách.
Anh N.Q, nhân viên sàn giao dịch G5 (thuộc Siêu thị dự án) tư vấn: “Bên em phân phối 5 tầng: tầng 5, 6, 7 và 13, 14 với giá từ 27,5- 28,5 triệu đồng/m2 tùy từng căn hộ. Riêng tầng 19 là suất ngoại giao với giá gốc 26,5 triệu đồng/m2 nên khách hàng muốn mua phải chịu tiền chênh. Chị đặt cọc mua sớm được chọn căn vị trí đẹp, mua sau không còn căn ưng ý. Xuống tiền luôn, khách hàng ký trực tiếp với chủ đầu tư về hợp đồng hợp tác đầu tư còn từ tháng 3/2015 sẽ chuyển sang hợp đồng mua bán”.
Sau lễ công bố, tin nhắn giới thiệu dự án “khủng bố” số điện thoại nhiều khách hàng. Trong khi đó, ông Chu Văn Đức – Đội trưởng Đội Thanh tra Xây dựng quận Nam Từ Liêm xác nhận, Sở Xây dựng Hà Nội hiện đang cấp giấy phép ép cọc thí nghiệm (trong đó có 5 cọc thí nghiệm) và chưa có giấy phép xây dựng cho dự án của FLC tại đường Phạm Hùng.
Có mặt tại dự án FLC Complex Phạm Hùng sáng 19/1, theo quan sát của PV, có 3 xe ủi đang san đất, một nhóm công nhân khoảng 10 người trên công trường. Bảo vệ ngoài cổng cho biết, dự án mới đang chuẩn bị ép cọc.
Theo một lãnh đạo của Sở Xây dựng Hà Nội, ngay cả đến tháng 3 có cấp phép thì dự án cũng không thể làm móng đúng tiến độ để làm hợp đồng mua bán.
Tương tự, dự án Goldmark City (136 Hồ Tùng Mậu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được ra mắt hoành tráng tại một khách sạn lớn ở Hà Nội cách đây nửa tháng. Ngày mở bán chính thức chưa có, nhưng đơn vị phân phối dự án là Siêu thị dự án nhận đặt cọc tiền của khách hàng khi mua căn hộ. Đại diện chủ đầu tư khẳng định, dự án thuộc diện miễn cấp phép.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, dự án liên quan đến an ninh quốc phòng mới được miễn cấp phép xây dựng. Theo đó, dự án Goldmark thuộc diện phải cấp phép nhưng chưa cấp. Điều lạ lùng là, một dự án muốn giới thiệu ra thị trường phải báo cáo trên địa bàn phường về tính pháp lý, nhưng trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Ngọc Mạnh – Đội trưởng Đội thanh tra quận Bắc Từ Liêm cho hay: “Ngày 27/1 tới, chúng tôi sẽ cho thanh tra xuống kiểm tra giấy phép xây dựng và hiện trạng của dự án”.
Trước đó, theo kết luận của Sở Tài nguyên và Môi trường, dự án Goldmark City (trước đây có tên Castle Plaza) chậm so với tiến độ 3 năm; chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định như các loại thuế, phí liên quan đến dự án như tiền sử dụng đất… Hà Nội đưa dự án này vào danh sách các dự án được gia hạn, trong đó Goldmark được gia hạn đến quý IV/2015.
Trước khi mua nhà cần biết gì?
Ông Nguyễn Trọng Hiền, Trưởng phòng Quản lý nhà và Kinh doanh bất động sản (Sở Xây dựng Hà Nội), cho biết, từ trước đến nay chủ đầu tư chỉ thông báo đến Sở Xây dựng là sẽ mở bán mà không đợi sự đồng ý. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước khuyên người mua nhà phải tìm hiểu kỹ dự án có đủ điều kiện về tính pháp lý hay chưa để tránh rủi ro khi mua, bán.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết, từ tháng 7/2014, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực. Theo đó, trước khi huy động vốn, chủ đầu tư phải báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước nhà ở của địa phương và sau 15 ngày cơ quan này sẽ có văn bản trả lời đồng ý, chủ đầu tư mới đủ điều kiện để bán. Đặc biệt, khi chủ đầu tư muốn bán nhà trên “giấy” phải có ngân hàng bảo lãnh. Để trong trường hợp dự án không hoàn thành, đơn vị bảo lãnh phải có trách nhiệm hoàn trả lại khách hàng số tiền đã nộp cho chủ đầu tư. Đây là điều kiện bắt buộc.
“Ngay cả Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006 cũng đã buộc chủ đầu tư phải thông tin cho người mua về các dự án một cách minh bạch. Trên thực tế, người mua cũng chưa tìm hiểu kỹ về những quy định này. Bản thân các doanh nghiệp cũng chưa thực hiện nghiêm túc các quy định nên dễ dẫn tới các rủi ro. Việc mua bán nhà ở là giao dịch dân sự: trước khi mua bán, người dân phải tìm hiểu thật kỹ xem các doanh nghiệp đủ điều kiện bán nhà trên giấy chưa”, ông Hà nói.
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cho rằng: “Thị trường BĐS đang có dấu hiệu ấm lên, niềm tin của khách hàng bắt đầu quay trở lại. Tuy nhiên, một số chủ đầu tư lại bắt đầu manh nha huy động vốn của khách hàng, dự án thiếu tính pháp lý vẫn mở bán, tạo giá chênh khiến khách hàng hoang mang. Cơ quan quản lý cần siết lại”.