Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được trưng cầu dân ý từ ngày 5/1 đến 5/4/2015, trong đó dự kiến chỉnh sửa quy định về lãi suất trong các hợp đồng cho vay tài sản. Điều 476 Bộ luật hiện hành quy định, lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.
Trần lãi suất 150% so với lãi suất cơ bản được áp dụng từ 2005, với mục đích chống cho vay nặng lãi, bảo đảm quyền lợi của bên đi vay, nhưng cũng bị cho rằng gây khó khăn cho hoạt động ngân hàng. Lãi suất cơ bản Ngân hàng Nhà nước đang áp dụng hiện nay là 9%. Nếu chiếu đúng quy định này, tất cả các hợp đồng cho vay mà ngân hàng thương mại áp dụng lãi suất trên 13,5% đều phạm luật. Thực tế ngân hàng vẫn cho vay với mức cao hơn như vậy và được khách hàng chấp nhận. Chỉ tới khi phát sinh tranh chấp cần xử lý trước tòa, ngân hàng nguy cơ bị khép vào tội cho vay nặng lãi.
Ngành ngân hàng nhiều lần nêu quan điểm cần chỉnh sửa quy định này, đề nghị nâng trần thậm chí bỏ quy định khống chế lãi suất cho vay, bởi cho rằng hoạt động huy động và cho vay của ngân hàng theo cơ chế thị trường. Ngân hàng Nhà nước cũng có các cơ chế để kiểm soát, chống cho vay nặng lãi. Năm 2010, khi thị trường khủng hoảng thanh khoản, thiếu vốn cho vay, Ngân hàng Nhà nước cũng triển khai một cơ chế riêng cho phép ngân hàng và doanh nghiệp thỏa thuận lãi suất mà không bị áp bởi mức trần.
Trong lần sửa đổi này, ban soạn thảo đề xuất quy định mới, tại Điều 491, là trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố đối với loại vay tương ứng, trừ trường hợp luật có quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định ở khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Lãi suất cho vay vượt 200% lãi cơ bản sẽ bị coi là vay nặng lãi, theo dự thảo Luật dân sự. |
Hiện có hai luồng quan điểm trái chiều. Những người đồng tình thì cho rằng, việc quy định mức lãi suất trần dựa trên lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố là để tạo ra sự thống nhất về xác định lãi suất trong hợp đồng vay tài sản, ngăn ngừa việc cho vay nặng lãi, phù hợp với tình hình phát triển năng động của nền kinh tế.
Trong khi đó, số khác đề nghị chỉ nên quy định một mức lãi suất trần cụ thể trong Bộ luật dân sự, không sử dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố làm lãi suất tham chiếu; đồng thời quy định nguyên tắc, thẩm quyền thay đổi mức lãi suất cụ thể này khi cần thiết.
Bởi số này cho rằng, theo thông lệ, lãi suất cơ bản chỉ là mức lãi suất chung với mục đích để điều hành chính sách tiền tệ, không mang tính thị trường. Lãi suất này không được chia thành các mức lãi suất khác nhau để áp dụng cho các thời hạn khác nhau, chủ thể tham gia giao dịch khó có thể biết mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố có phù hợp với loại vay tương ứng hay không. Do đó, sử dụng lãi suất cơ bản để điều chỉnh các quan hệ dân sự là không phù hợp, sẽ gây khó khăn cho các chủ thể khi tham gia giao dịch dân sự trên thực tế.
Thứ hai, việc quy định cụ thể mức lãi suất trong Bộ luật dân sự sẽ đảm bảo được tính rõ ràng minh bạch, dễ áp dụng, các bên tham gia giao dịch dân sự có thể biết ngay hậu quả pháp lý khi xác lập hợp đồng vay.
Lệ Chi