‘Cố thủ’ trong chung cư sắp sập

Hai dãy nhà của mỗi lô chung cư nghiêng gần sát vào nhau – Ảnh: Đình Phú
Chung cư (CC) Thanh Đa được xây dựng từ trước năm 1975 (sau đó nhà nước quản lý), trong nhiều năm qua có 299 hộ dân sinh sống tại đây.
Lún nghiêm trọng
Hơn 10 năm qua, CC bắt đầu bị nghiêng, lún trầm trọng. Hai dãy nhà của mỗi lô vốn cách nhau 3 m, nhưng tầng trên cùng (tầng 4) nghiêng sát cách nhau độ 1,5 m. UBND Q.Bình Thạnh đã phối hợp Sở Xây dựng thuê tư vấn độc lập tiến hành kiểm định và khẳng định CC Thanh Đa không còn đảm bảo an toàn, nguy cơ sập đổ bất kỳ lúc nào. Theo chỉ đạo của UBND TP, Q.Bình Thạnh tiến hành di dời khẩn cấp tất cả 299 hộ dân để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.
Từ đầu năm 2014, phương án di dời đã được đưa ra. Theo đó, người dân được bố trí tái định cư tại CC mới xây dựng với 1.050 căn hộ ở đường Chu Văn An, P.12 (Q.Bình Thạnh) theo nguyên tắc diện tích căn hộ tái định cư tối thiểu tương đương với diện tích căn hộ cũ; những trường hợp đang sử dụng nhà thuộc sở hữu nhà nước cũng sẽ được tiếp tục thuê nhà đối với căn hộ mới, với giá thuê bằng căn hộ cũ; trường hợp có nhu cầu mua căn hộ tái định cư sẽ được xem xét giải quyết bán theo diện nhà thuộc sở hữu nhà nước đối với phần diện tích bằng diện tích căn hộ cũ. Nếu diện tích căn hộ mới lớn hơn, phần chênh lệch được bán theo giá thị trường…
Với chính sách này, 288 hộ dân đồng ý di chuyển, còn lại 11 hộ (phần lớn ở tầng trệt) vẫn “cố thủ” trong chung cư sắp sập vì chưa đồng tình với phương án của quận.
Muốn tự lo chỗ ở ?
Trả lời PV, ông Hồ Minh Thuấn, chủ sở hữu căn hộ số 023 – một trong số những hộ dân chưa di chuyển, cho biết gia đình ông muốn nhận tiền đền bù và tự lo chỗ ở. Các hộ dân còn lại cũng có nguyện vọng muốn nhận tiền đền bù hoặc nếu được cấp trước chủ quyền căn hộ tại CC mới thì họ mới chấp nhận đi. Khi được hỏi về nguy cơ CC sập đổ, ông Vũ Ngọc Bình, ngụ căn hộ số 019B – thuộc nhóm chưa chuyển đi, nói: “Cũng sợ lắm, vì CC đang bị nghiêng”.
Trong khi đó, ông Dương Hồng Thắng, Phó chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh, cho biết việc di chuyển các hộ dân được thực hiện theo phương án di dời khẩn cấp TP phê duyệt (như dẫn ở trên). Tuy nhiên, do chưa có phương án đền bù cụ thể nên việc tính toán tiền chênh lệch diện tích căn hộ giữa nơi ở cũ và nơi ở mới để cấp sổ hồng thì chưa thể làm được. Do đó, những trường hợp muốn nhận tiền đền bù để tự lo chỗ ở thì quận không có nguồn tiền để trả.
Yêu cầu di chuyển khẩn cấp

Ngày 9.1, UBND TP.HCM ban hành quyết định yêu cầu di chuyển 11 hộ dân đến chung cư 1.050 căn tại P.12, Q.Bình Thạnh để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản theo luật định.

Theo đó, TP giao Chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh tổ chức thông báo công khai; giải thích, vận động, thuyết phục các hộ dân chịu ảnh hưởng khẩn trương thi hành. Sau thời hạn 10 ngày, nếu các hộ dân vẫn không chấp hành thì Chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh báo cáo Sở Xây dựng đề xuất UBND TP ban hành quyết định cưỡng chế di chuyển đối với các hộ dân theo trình tự, quy định của pháp luật.

Đình Phú (Thanh niên)

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Để lại một bình luận

0913.756.339