Từ 2009, Thăng Long Mansion bắt đầu được Công ty CP Đầu tư Phát triển Đô thị Thăng Long (sau đây gọi tắt là Đô thị Thăng Long) khởi động công trường ở cửa ngõ phía Tây Hà Nội.
Tổ hợp dự án này bao gồm 5 tòa nhà với 2 tòa văn phòng cho thuê 17 tầng, 1 tòa văn phòng cho thuê 21 tầng và 2 tháp chung cư cao cấp 30, tầng kèm theo các điểm nhấn về kiến trúc, không gian xanh, tiện nghi cao cấp…
“Đắp chiếu 4 năm
“Sát cánh” cùng Đô thị Thăng Long thời BĐS còn sốt nóng (2009 – 2010) là Công ty CP Sông Đà 1 – một “thế lực” trong giới tạo lập nhà đất Thủ đô.
Ngày 25/12/2010, Đô thị Thăng Long và Sông Đà 1 ký hợp đồng thi công gói thầu xây lắp móng, tầng hầm, thân nhà khối văn phòng 17 tầng và khối chung cư 30 tầng của dự án. Theo đó, tổng giá trị hợp đồng là 43,5 tỷ đồng, tiến độ 590 ngày tính từ ngày nhận được mặt bằng. Sông Đà 1 lúc đó đã chuẩn bị sẵn sàng lực lượng thi công để bảo đảm đúng tiến độ công trình.
Sang năm 2011, chiều cao các block nhà được triển khai thi công không đồng đều (tầng 3 hoặc tầng 7) và… dậm chân tại chỗ tới nay. Dự định hoàn thành vào cuối 2013, dư luận mặc sức bàn tán, báo giới phản ánh, nhưng dự án vẫn “đâu đóng đấy”.
Nhớ lại, BĐS Hà Nội của năm 2011 vốn xôm tụ nhiều dự án cao cấp “sau khởi công hoành tráng là đắp chiếu dài dài” kiểu Habico, Park City, hay Deawoo Cleve.
Dẫu hẹn bàn giao, thương hiệu chủ đầu tư chưa ai biết tới, cũng chẳng được ngân hàng “chống lưng tài chính”, Thăng Long Mansion của Đô thị Thăng Long chẳng vì thế mà bớt hấp dẫn giới đầu tư.
Lễ công bố Dự án và ký kết hợp đồng xây dựng
36 – 39 triệu đồng/m2 căn hộ là mức giá được rất nhiều khách hàng gật gù chấp nhận để chen chân vào Thiên đường cửa ngõ phía Tây. Lạ lùng hơn, năm 2013 (2 năm sau khi công trường dự án “lặng như tờ”), các suất căn hộ Thăng Long Mansion tiếp tục duy trì ở tầm tiền trên dưới 37 triệu đồng/m2.
Cao cấp cỡ FLC Landmark Tower hay CT3 Lê Đức Thọ ngay gần đó cũng chỉ tròm trèm 25 triệu đồng/m2 (đã hoàn thành và bàn giao), thì chuyện sản phẩm chưa thành hình của Đô thị Thăng Long “hét” giá trên trời quả là khó hiểu giữa lúc địa ốc chưa kịp gượng dậy.
Kết thúc năm 2013, dư luận chứng kiến rất nhiều cú sốc trên thị trường BĐS phía Bắc với rất nhiều tên tuổi rơi vòng lao lý, như vụ Vina Megastar, B5 Cầu Diễn, Thanh Hà Cienco 5…
Không gặp các lỗi điển hình (lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; sử dụng trái phép vốn huy động từ khách hàng mua nhà), chủ đầu tư Thăng Long Mansion “chỉ” bị chậm tiến độ dự án. Hơn 1 năm qua (dự định bàn giao dự án là cuối 2013), phần chân công trường tổ hợp tòa nhà được sử dụng làm điểm rửa xe, trông giữ xe.
Tên mới, chủ cũ
Về phía Đô thị Thăng Long website chính thức của DN này (bdsthanglong.com.vn) hiện hoàn toàn không thể truy cập. Ở web xaydungvietnam.vn được Bộ TT&TT cấp phép, Đô thị Thăng Long xuất hiện với thông tin rao bán các sản phẩm chung cư cao cấp Thăng Long Mansion có giá 34 triệu đồng/m2.
Tiếp tục tìm hiểu pháp nhân chủ đầu tư trên Cổng Thông tin điện tử của Sở KH&ĐT Tp.Hà Nội, Đô thị Thăng Long được cấp mã số DN ngày 13/8/2010 ở lần đăng ký thứ 9, với đại diện là ông Trần Quốc Trung.
Ngày 6/1/2015, Đô thị Thăng Long “đột nhiên” công bố Dự án Sun Square, sau khi ký kết thỏa thuận hợp tác 4 bên cùng triển khai nhằm bảo đảm chất lượng – tiến độ. Theo đó, sàn giao dịch BĐS Atlantic phân phối độc quyền, Sông Đà 1 là nhà thầu thi công, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Âu Lạc làm tư vấn giám sát và HD Bank hỗ trợ vốn vay.
Đáng chú ý, Sun Square có quy mô và vị trí khu đất giống hệt Thăng Long Mansion năm xưa mà Địa ốc Thăng Long chưa hẹn ngày tái khởi động.
Tại buổi công bố, lãnh đạo Địa ốc Thăng Long (vẫn những gương mặt 5 năm trước) cho hay: sau một thời gian đầu tư xây dựng, đến nay Sun Square đã hoàn thiện móng, 3 tầng hầm, phần thân đã xây thô xong từ tầng 4 – 9. Và “với sự hỗ trợ vốn của HD Bank, chúng tôi phấn đấu mỗi tháng hoàn thành xây thô 3 tầng, dự kiến bàn giao vào quý III/2016”.
Trước đó không lâu, ngày 17/12/2014, Sông Đà 1 ký hợp đồng xây dựng giai đoạn 2 dự án Thăng Long Mansion với chủ đầu tư Địa ốc Thăng Long. Khớp nối các sự kiện, cho thấy Thăng Long Mansion phút chốc đã “hóa” thành Sun Square sau những cái bắt tay chiến lược.
Dự án vẫn thuộc pháp nhân Đô thị Thăng Long. Nhà thầu chính, chẳng ai khác ngoài Sông Đà 1 thuở 2010 với đích dự định bàn giao 590 ngày. Khâu phân phối độc quyền được chuyển giao cho sàn Atlantic (thay vì sàn giao dịch của chủ đầu tư). Điều quan trọng nhất, là sự có mặt đúng lúc của HD Bank – dù chi tiết bản hợp đồng tín dụng hỗ trợ cho dự án chưa được tiết lộ nhưng cũng đủ làm các đối tác còn lại yên tâm “bắt tay” với chủ đầu tư.
Trùng khớp ngẫu nhiên, sự kiện công bố dự án mới của Địa ốc Thăng Long diễn ra chỉ sau 1 ngày kể từ ngày Thông tư Liên tịch 20/2013/TTLT-BXD-BNV của Bộ Xây dựng có hiệu lực. Cụ thể Thông tư, bắt đầu từ 5/1/2014, sẽ chính thức rà soát, xem xét thu hồi các dự án BĐS chậm tiến độ, tránh lãng phí nguồn tài nguyên đất. Thống kê, số dự án tạm dừng triển khai (báo cáo 47 địa phương) là 287 dự án, chủ yếu là các dự án chủ đầu tư không huy động được thêm nguồn vốn.
Thay tên đổi họ, được nhà băng “đỡ đầu” vào phút chót, Thăng Long Mansion – Sun Square đã thoát hiểm ngoạn mục và tiếp tục… hẹn ngày về?!
Nguyễn Cảnh (Thời báo kinh doanh)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.