Tổng cục Thống kê: Năng suất lao động Singapore gấp 18 lần Việt Nam

Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động xã hội năm 2014, cơ quan thống kê cho biết theo giá hiện hành của toàn nền kinh tế ước tính đạt 74,3 triệu đồng mỗi lao động (tương đương 3.515 USD). Trong đó năng suất khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 28,9 triệu đồng (bằng 38,9% mức chung), công nghiệp và xây dựng là 133,4 triệu đồng, khu vực dịch vụ đạt 100,7 triệu đồng.

Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2014 ước tính tăng 4,3% so với năm 2013. Trong đó năng suất lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,4%, công nghiệp và xây dựng tăng 4,3%, dịch vụ tăng 4,4%. 

laodong4-6077-1419666641.jpg

Mỗi lao động Việt Nam làm ra 74 triệu đồng trong năm 2014, theo Tổng cục Thống kê. Ảnh: Anh Quân

Cơ quan thống kê nhận định, năng suất lao động của Việt Nam liên tục tăng trong thời gian qua, bình quân đạt tốc độ 3,7% mỗi năm trong giai đoạn 2005 – 2014. Tuy nhiên, hiện nay năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng một phần mười tám của Singapore, một phần sáu của Malaysia, một phần ba của Thái Lan và Trung Quốc . 

Tổng cục Thống kê chỉ ra 4 nguyên nhân ảnh hưởng tới năng suất lao động của nước ta đạt thấp so với các nước trong khu vực. Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động có chuyển dịch tích cực nhưng tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn lao động thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu. Tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ thấp, trung bình trong toàn ngành chế biến, chế tạo chiếm tới 88% tại thời điểm năm 2012. Ngoài ra, theo cơ quan thống kê, trình độ tổ chức quản lý còn yếu cùng với hiệu quả sử dụng các nguồn lực thấp.

Theo cơ quan này, tỷ lệ đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP giai đoạn 2001 – 2005 chỉ đạt 11,9%; giai đoạn 2006 – 2010 là -4,5%; giai đoạn 2011 – 2013 là 23,6%. Ngoài ra, tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam trong các ngành sản xuất và dịch vụ (hai khu vực quyết định sự phát triển kinh tế của một quốc gia trong dài hạn) vẫn còn ở mức thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Câu chuyện năng suất lao động của Việt Nam đã nhiều lần được đề cập đến trong năm qua sau khi một nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố vào tháng 6. Kết quả cho thấy năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất Châu Á – Thái Bình Dương (những nơi có thể thu thập số liệu). Theo đó, năng suất của người lao động Việt thấp hơn Singapore gần 15 lần, Nhật 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. So với các nước láng giềng ASEAN có mức thu nhập trung bình, năng suất lao động của Việt Nam vẫn có khoảng cách lớn, chỉ bằng một phần năm Malaysia và hai phần ăm Thái Lan. 

Tại kỳ họp vừa qua, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc – Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần có cách hiểu đúng về so sánh năng suất lao động của 15 người Việt mới bằng một người Singapore. Ông cho rằng, nhận định như vậy chưa phản ánh đúng bản chất kinh tế của năng suất lao động và thực tế của Việt Nam. Bởi vì năng suất lao động là kết quả phát triển lâu dài của đất nước và do nhiều yếu tố chi phối như xuất phát điểm của đất nước, khoa học kỹ thuật… không phải chỉ do trình độ nghề nghiệp lao động.

Liên quan đến đến tỷ lệ việc làm và thất nghiệp, báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước ước tính đến cuối năm nay là 54,48 triệu người, tăng 782.000 người so với cùng kỳ. Trong đó, số người có việc làm đến cuối quý IV là 53,47 triệu người.

Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động ước tính chiếm khoảng 2,45%, giảm khoảng 0,3% so với thời điểm cuối năm 2 năm liền trước. 

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động vào khoảng 2,08%. Con số này đã giảm nhẹ so với cuối 2013 nhưng vẫn cao hơn hai năm trước. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị chiếm cao hơn với 3,43%. 

Ước tính tỷ lệ lao động phi chính thức của khu vực phi hộ nông nghiệp năm 2014 là 56,1%, giảm 1 điểm phần trăm so với năm 2013. Nhìn chung tỷ lệ này giảm so với năm 2013 ở các quý trong năm do tỷ trọng lao động trong khu vực doanh nghiệp có dấu hiệu tăng lên. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm qua là khoảng 1,09 triệu người, tăng 2,8% so với năm trước. 

Ngọc Tuyên

Để lại một bình luận

0913.756.339