Chợ tự phát tràn lan, chợ truyền thống điêu tàn

Chợ tiền tỷ An Sương

Chiếm đường họp chợ

Chợ tự phát hay còn gọi chợ cóc, chợ chồm hổm, chợ lề đường, chợ ruồi được người dân tự họp nhóm, buôn bán theo cách bộc phát, phục vụ chủ yếu cho những “thượng đế” eo hẹp khả năng tài chính. Chính vì hoạt động bát nháo tràn lan mà chợ tự phát gây nhiều khó khăn cho các chợ xây dựng theo quy hoạch của thành phố.

Dọc tuyến đường Trường Chinh (quận 12) vào buổi chiều rất dễ bắt gặp nhiều chợ chồm hổm tràn ra lòng đường, gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Mặc dù biển “cấm tụ tập buôn bán” được cắm ngay dưới chân cầu nhưng hoàn toàn mất hiệu lực. Chỉ cần một cái ghế nhựa, một cái mâm đựng hàng, người bán thản nhiên ngồi ngay trụ đèn giao thông bán các mặc hàng như: mì gói, nón bảo hiểm… Trên cầu Tham Lương, các “tiểu thương” chất các loại ốc, cua, ghẹ trên xe lôi để thuận tiện cho việc “tẩu tán” mỗi khi thấy bóng dáng lực lượng chức năng.

Khi mặt trời vừa khuất bóng, nhiều người mang sạp hàng bày bán nhộn nhịp ngay trên cầu Chợ Cầu (đường Quang Trung, quận Gò Vấp). Bầy gia cầm phóng uế bừa bãi, bốc mùi khó chịu cho người đi đường. Khu vực này hoạt động nhộn nhịp nhất vào khoảng 16 đến 19 giờ mỗi ngày. Khi những người bán hàng dọn đi để lại nhiều loại rác nhếch nhác, bẩn thỉu vô cùng.

Hết dốc cầu Quang Trung, hướng từ quận Gò Vấp về Hóc Môn, xuất hiện nhiều “sạp hàng xe ba gác” bán trái cây nối đuôi nhau thành hàng dài. Để thu hút khách hàng, nhiều sạp treo giá thấp hơn hai, ba lần giá thật. “Hôm bữa, tôi đang chạy xe về thì thấy một xe bán xoài treo giá năm ngàn đồng một ký. Tôi loay hoay lựa hai ký, lúc tính tiền chủ hàng hét 15 ngàn/kg. Tôi thắc mắc thì người bán chỉ tay vào vào bảng giá nói năm ngàn là một phần ba giá. Mà số ba ghi rất nhỏ, phải nhìn thật kỹ mới thấy” – chị Thủy (ngụ quận Hóc Môn) bức xúc. Nhiều người cho biết đây là “1 trong 36 kế” của những người bán hàng rong.

Khoảng 17 giờ chiều, đường Nguyễn Ảnh Thủ (đoạn giao nhau với đường song hành Quốc lộ 22) tấp nập cảnh buôn bán quần áo, giày dép, mũ nón trên vỉa hè. Những khi vắng bóng lực lượng quản lý đô thị, nhiều người còn bày hàng hóa xuống tận lòng đường để kinh doanh. “Mỗi lần ghé siêu thị Co.op mart hoặc nhà sách Nguyễn Văn Cừ mua đồ, tôi rất khó chịu trước cảnh bán hàng rong kiểu này vì để được vào trong gửi xe, mất nhiều thời gian” – chị Thoa (ngụ quận 12) lắc đầu ngán ngẩm. Theo quan sát của chúng tôi, khu vực này tập trung nhiều cơ quan hành chính như: Trung tâm văn hóa quận 12, nhà sách, siêu thị, trường học, công ty, nhà thờ… có nhiều người lui tới nên đây là mảnh đất tiềm năng cho nhiều người kinh doanh lẻ tìm đến bán buôn. Tuy nhiên, do bán tự phát đã gây bất ổn, ảnh hưởng đến người tham gia giao thông.

Tốn tiền tỷ để “phơi sương”



Ngay cạnh biển “cấm tụ tập buôn bán” tọa lạc trên đường Trường Chinh (góc ngã tư An Sương), người bán hàng “cắm chốt” sạp cá, rau củ, trái cây… tràn ra gần nửa mặt đường, bất chấp xe cộ lưu thông. Phía sau chợ lề đường này là chợ Bàu Nai cũ. Tìm hiểu chúng tôi được biết, chợ Bàu Nai là một trong ba chợ (chợ Cầu, chợ Tân Hưng) nằm trong dự án quy hoạch của chợ An Sương (phường Đông Hưng Thuận, quận 12) nhằm thực hiện kế hoạch giải tỏa đường giao thông thuộc dự án đường Bắc – Nam của TPHCM. Tuy nhiên, chợ An Sương đã hoàn thành từ năm 2003 với tổng số vốn lên đến 19 tỷ đồng nhưng do kiến trúc xây dựng thiếu hợp lý, không kích cầu giao thương, khiến nhiều tiểu thương “bỏ chạy”.

Năm 2006, UBND quận Bình Tân cấp giấy phép 1065/GPXD-UBND cho bà Nguyễn Thị Bạch Huệ (phường Bình Hưng Hòa) xây dựng chợ Tư Trầm, diện tích hơn 3.000m2 nhằm giúp tiểu thương đang bán buôn trên chợ lề đường Phạm Đăng Giảng có địa điểm kinh doanh hợp pháp. Tốn hơn 7 tỷ đồng, xây dựng 72 ki-ốt với đầy đủ trang bị nhưng chợ này chỉ hoạt động được ba tháng rồi bỏ phế đến nay. Theo ghi nhận của chúng tôi, chợ Tư Trầm đã chuyển đổi công năng sử dụng. Các ki-ốt được thay thế bằng dãy phòng trọ khang trang. Phần lòng chợ đang kín cổng cao tường. Bảng tên chợ cũng đã tháo dỡ. Hiện tại, đường Phan Đăng Giảng bị nhiều tiểu thương chiếm dụng buôn bán, thời điểm nhộn nhịp nhất từ 7 – 9 giờ sáng và 16 – 19 giờ chiều, thường xuyên gây ùn tắc giao thông.

Chợ tiền tỷ Phú Hữu bỏ không

Hiện tại, có thể nói quận 9 là một trong những địa bàn dẫn đầu vì chợ tiền tỷ lâm cảnh hoang phế trên địa bàn TPHCM. Điển hình, chợ Tân Phú (phường Tân Phú) với kinh phí đầu tư hơn 2,2 tỷ đồng, quy mô gần 4.000m2 với 340 sạp khang trang phải đóng cửa từ năm 2004 đến nay khiến cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng. Điều nghịch lý là trong khi chợ Tân Phú được đầu tư hoành tráng bị “chết yểu” thì cách đó không xa, chợ tự phát Cây Dầu và Xóm Chiều lại phát triển nhộn nhịp, phục vụ nhu cầu thông thương của bà con. Chợ Phú Hữu (phường Phú Hữu) “sinh cùng lứa” với chợ Tân Phú cũng chỉ cầm cự được “hai tuổi” đầu. Đến năm 2006, ngôi chợ bề thế rộng gần 2.000m2 với 164 sạp dần đi vào tình trạng “sống dở chết dở” vì vắng khách. Đến nay, số sạp còn hoạt động trong chợ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngoài ra, chợ Long Trường (đường Nguyễn Duy Trinh, phường Long Trường) xây bề thế cũng lâm vào tình cảnh “vắng như chùa bà đanh”. Theo các tiểu thương, vì lỡ đóng tiền thuê sạp nên ráng cầm cự qua ngày để “mót tiền lẻ” bù lỗ.

Chẳng lẽ bó tay?



Năm 2003, UBND TPHCM ra quyết định 144/2003/QĐ-UB quy hoạch lại mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) của 22 quận – huyện trên địa bàn. Theo đó, đến năm 2010 chợ truyền thống được quy hoạch đưa vào sử dụng dần thay thế chợ tự phát. Đến nay, TP hiện có 25 TTTM, 82 siêu thị và 240 chợ truyền thống. Trong khi rất nhiều chợ, TTTM đang kinh doanh ế ẩm, không ít nơi chỉ còn “xác chưa chôn” thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đến năm 2020 sẽ mở thêm 43 siêu thị và 92 TTTM. Thực tế, người dân đang cần gì ở các chợ, siêu thị và TTTM? Để có cơ sở trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi gặp ngay những người nội trợ.

Chợ tự phát có mặt khắp nơi

“Tôi thường mua hàng ở chợ chồm hổm trên đường Trường Chinh vì tiện lợi. Chứ chiều đi làm về trễ, còn phải đón con cái, ghé vô cái chợ mà gửi xe thì đến tối mới về được tới nhà”, chị Thảo (SN 1980, ngụ quận 12) bộc bạch. Đây không chỉ là “tâm tư” của chị Thảo mà còn là tâm lý của hầu hết người mua hàng. Điều họ cần là một nơi mua bán nhanh chóng, thuận tiện, giá cả phù hợp, chất lượng. Nếu không bàn về chất lượng sản phẩm, có thể nói chợ tự phát có thể đáp ứng hầu hết các mong muốn của người dân.

Cho nên, dù xây dựng khang trang nhưng chợ An Sương không thể thu hút khách hàng do “địa lợi” bất hợp lý như: xây dựng vị trí lòng chảo, dễ ngập ún, ô nhiễm; xung quanh dân cư thưa thớt; mặt tiền chợ là Quốc lộ 1A với đường một chiều, khó thu hút khách. Minh chứng, khánh thành từ năm 2005 nhưng tiểu thương vẫn không chịu vào chợ buôn bán. Đến năm 2011, Sở Xây dựng tiếp tục phê duyệt cho thêm 12,3 tỷ đồng nhằm sửa chữa, chỉnh chu lại chợ An Sương để đưa vào hoạt động trước Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, nâng tổng số vốn xây chợ lên hơn 30 tỷ đồng. Nhưng đến giờ vẫn trong tình trạng người bán nhiều hơn người mua.

Trao đổi với chúng tôi, một tiểu thương buôn bán tại chợ tự phát Cây Dầu cho biết: “Chúng tôi ai chẳng muốn vào chợ kinh doanh cho có hệ thống, nhưng mà vào đó bán không ai mua, ế ẩm triền miên. Trước chợ Tân Phú là đường một chiều, lại có duy nhất một lối vào. Khách ngại vào vì phải chạy quãng đường xa hơn. Ngồi ngay lề đường, người qua lại nhiều mới bán được hàng. Thực tế cho thấy, những ngôi chợ truyền thống xây dựng bề thế nhưng thiết kế hạ tầng thiếu hợp lý như đã đề cập.

Theo thống kê, trên địa bàn thành phố hiện có gần 200 chợ tự phát đang hoạt động nhộn nhịp, làm mất mỹ quan, ảnh hưởng giao thông, vệ sinh môi trường, phát sinh tệ nạn và ảnh hưởng đến hoạt động của những chợ truyền thống được đầu tư đúng tầm. Đi chợ mua rau quả tươi là tập quán có từ lâu đời của người dân, các nhu cầu đó vẫn được chợ tự phát đáp ứng. Vì vậy, chính quyền các cấp cần rà soát lại công năng của tất cả các chợ đầu tư tiền tỷ phải có những điều chỉnh phù hợp với nhu cầu người dân, tránh lãnh phí như thời gian qua.

Oanh – Minh (Công an Tp.HCM)

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Để lại một bình luận

0913.756.339