Trên sàn Moscow, đến 5h chiều nay (giờ Hà Nội), mỗi rouble Nga đổi được 62,04 USD, giảm 3% so với đầu ngày. Rouble cũng mất giá 2% so với euro, xuống 76,5 rouble đổi một euro, theo số liệu của Reuters.
Nhà đầu tư cho biết họ không nhận thấy ông Putin đưa ra được các biện pháp lớn để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại, vốn đã khiến rouble mất giá 45% so với USD năm nay, trong bối cảnh giá dầu lao dốc và Nga phải chịu đòn trừng phạt từ phương Tây.
Trong buổi họp báo thường niên hôm nay, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng Nga không nên lãng phí dự trữ tiền tệ để cứu đồng rouble, trong bối cảnh cả nước đang chuẩn bị chống lại suy thoái do giá dầu giảm và các lệnh trừng phạt. “Nếu bối cảnh kinh tế bên ngoài diễn biến theo kịch bản bi quan nhất, suy thoái có thể kéo dài 2 năm. Nếu tình hình quá tệ, chúng ta sẽ phải thay đổi kế hoạch, cắt giảm vài thứ”, ông nói.
Ông Putin trong buổi họp báo chiều nay. Ảnh: AFP |
Tổng thống cũng chỉ trích Ngân hàng trung ương Nga đã không hành động đủ nhanh để cứu đồng rouble. Tuy nhiên, ông cam kết sẽ đưa Nga ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện tại, theo đúng cách đã lèo lái nước này thoát cơn địa chấn tài chính 2008.
Dự trữ quốc tế của Nga đã giảm gần 20%, xuống 416 tỷ USD trong năm qua, do ngân hàng trung ương nỗ lực cứu nội tệ. Ông Putin cho biết sẽ không buộc các hãng xuất khẩu đổi doanh thu ra ngoại tệ để cứu đồng rouble.
Trước đó, hôm 16/12, Ngân hàng trung ương Nga bất ngờ nâng lãi suất từ 10,5% lên 17%, mạnh nhất từ năm 1998. Tuy nhiên, việc này cũng không ngăn được đồng rouble tiếp tục trượt giảm, khi nhà đầu tư coi đây là động thái của sự hoảng loạn. Cuối ngày, rouble lập đáy mới với 80 rouble đổi một USD.
Tiền tệ này chỉ hồi phục vào hôm qua, sau khi Bộ Tài chính Nga cam kết dùng khoảng 7 tỷ USD dự trữ ngoại hối để hỗ trợ đồng rouble. Ngân hàng trung ương cũng công bố nhiều biện pháp để bình ổn hệ thống ngân hàng. Việc này đã giúp rouble tăng 12% so với USD, mạnh nhất 16 năm, Bloomberg cho biết.
Người dân Nga đang ngày càng cảm nhận được sức nóng của suy giảm kinh tế, khi lạm phát tháng 11 lên 9,1%, mạnh nhất 3 năm. GDP nước này cũng có thể co lại gần 5% năm tới, nếu giá dầu duy trì tại 60 USD một thùng.
“Kinh tế Nga đang chao đảo. Nhưng vấn đề lại nằm ở chính trị”, Masha Lipman – nhà phân tích chính trị độc lập tại Moscow nhận định. Sergei Markov – cố vấn của điện Kremlin cũng cho biết ông Putin tin rằng mình đang phải đối mặt với nhiều thế lực cùng muốn hạ bệ ông. Trong đó có động thái tấn công đồng rouble của nhà đầu tư nước ngoài.
Hồi đầu tuần, Nhà Trắng cũng cho biết Tổng thống Mỹ – Barrack Obama đã sẵn sàng ký duyệt lệnh trừng phạt mới lên Nga. Ông Putin nhận định khoảng 30% rắc rối kinh tế hiện tại của Nga có liên quan đến các lệnh trừng phạt này.
Hà Thu