Trung tâm thương mại “ngồi dài” chờ khách

Đìu hiu, ế ẩm
Theo Sở Công Thương Hà Nội, năm 2012, Hà Nội có khoảng 20 TTTM. Từ năm 2012 – 2014, có thêm 8 TTTM đưa vào hoạt động với kinh phí đầu tư hơn 42.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, ngoại trừ một số TTTM kết hợp siêu thị như Big C, Ocean Mart, Uni Mart… có lượng khách hàng ổn định, các TTTM còn lại đều rơi vào cảnh “chợ chiều”.
TTTM Grand Plaza (Hà Nội) phải đóng cửa do kinh doanh ế ẩm.
Tại TTTM Parkson (phố Thái Hà, quận Đống Đa), ngay cả tối cuối tuần, lượng khách ra vào cũng rất thưa thớt. Nhiều khách hàng tới Parkson chủ yếu để tham quan, thư giãn… chứ không có nhu cầu mua hàng. Dịp cuối năm, các chương trình giảm giá, khuyến mãi được trưng biển bắt mắt nhằm hút khách nhưng khách hàng không tăng là bao. Nhân viên các quầy hàng đồng hồ, nước hoa… thời gian rảnh rỗi đứng lướt web, chơi game, hoặc túm tụm lại buôn chuyện.
Thậm chí, TTTM “dát vàng” sang trọng là Grand Plaza (đường Trần Duy Hưng, Cầu Giấy) sau nhiều lần đóng cửa để tái cấu trúc, hiện vẫn chưa mở cửa trở lại. “Sai lầm của TTTM này là đặt ở vị trí cửa ngõ giáp ranh với ngoại thành, cách xa nội đô nhưng lại xác định phục vụ khách hàng cao cấp”, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nhận xét.
Bài học ế ẩm lặp lại với tòa nhà Lotte cao thứ nhì Việt Nam. Sau thời gian đầu khai trương khách hàng kéo đến rất đông thì hiện TTTM này đã vắng khách. Các TTTM như Tràng Tiền, The Garden, Grand Plaza… cũng trong tình trạng tương tự.
Tại TP Hồ Chí Minh, tình trạng này cũng không khả quan hơn. Tại TTTM Union Square, nằm ngay vị trí trung tâm quận 1, dù đã hoạt động từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn còn nhiều mặt bằng trống. Các nơi khác như Diamond, Saigon Center, Saigon Paragon, Crescent Mall… nhân viên bán hàng còn… đông hơn khách. Nhiều TTTM ở các chung cư xa trung tâm như The Vista (quận 2), khu Panorama ở Phú Mỹ Hưng (quận 7)… cũng trong tình cảnh tương tự.
Giá cho thuê không giảm
Tại TP Hồ Chí Minh, mặc dù ít khách nhưng các TTTM vẫn không giảm giá cho thuê. TTTM Union Square vẫn giữ giá cho thuê mặt bằng ở mức… cao ngất. Một nhân viên kinh doanh tại TTTM này cho biết, tầng trệt của tòa nhà được một số thương hiệu lớn thuê với giá 300 USD/m2/tháng, chưa kể 7 USD/tháng chi phí dịch vụ. Ở các tầng trên, giá có “mềm” hơn song cũng lên tới 80-100 USD/m2/tháng. Điều kiện thuê phải đặt cọc 3 tháng. Sau khi hết hợp đồng năm thứ ba sẽ tiếp tục tăng giá theo thị trường.
TTTM Parkson trên đường Lê Thánh Tôn cho thuê các gian hàng tầng trệt khoảng 100 – 150 USD/m2/tháng. Với những cửa hàng có diện tích từ 70 – 100 m2 thì chỉ riêng chi phí thuê gian hàng đã lên tới 10.000 – 15.000 USD/tháng (tương đương 200 – 300 triệu đồng).
Chủ cửa hàng thú nhồi bông trên tầng 3, TTTM Parkson chia sẻ: “Năm nay, doanh thu của cửa hàng giảm khoảng 20 – 30% nhưng gian hàng 16 m2 của tôi vẫn giữ nguyên giá cho thuê 1.300 USD/tháng như năm ngoái. Nếu thuê ngoài mặt phố, giá chỉ khoảng 1.000 USD/tháng mà còn dễ bán hàng hơn. Do đó, tôi đang chờ hết hợp đồng rồi chuyển ra ngoài bán”.
Tại Hà Nội, do giá cho thuê mặt bằng cao nên không ít tiểu thương đã phải “tháo chạy” khỏi các TTTM. Tại TTTM Hàng Da, không ít gian hàng đã phải đóng cửa bởi các tiểu thương không chịu nổi mức giá cho thuê cao, trong khi khách mua hàng chỉ thưa thớt. Hiện nay, Tràng Tiền Plaza được cho là TTTM có giá thuê thuộc loại cao nhất với mức khoảng 4,5 triệu đồng/m2/tháng.
Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, tâm lý của đa phần người tiêu dùng là ngại mua hàng tại TTTM vì lo giá sẽ cao hơn so với mua ở ngoài. Thực tế, giá hàng hóa trong TTTM cao hơn so với giá chung vì phải chịu phí thuê mặt bằng và phí dịch vụ cao hơn. Trong thời điểm sức mua còn yếu như hiện nay, các TTTM cần giảm giá thuê, có thêm các chương trình ưu đãi thì mới có thể thu hút được khách hàng.
“Hàng hóa trong TTTM là có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt. Đây là điểm mạnh so với hàng chợ mà các tiểu thương nên tận dụng để quảng bá với khách hàng”, ông Phú cho hay.
Còn theo một chuyên gia khác, việc xây dựng các TTTM phải có quy hoạch cụ thể chứ không thể xây dựng một cách tùy tiện. Sự ế ẩm của các TTTM như hiện nay, theo chuyên gia này, chính là do có quá nhiều TTTM mọc lên so với nhu cầu thực tế của thị trường.

Hoàng Dương – Mai Ngọc (Tin tức)

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Để lại một bình luận

0913.756.339