Ông Chan Piu (58 tuổi) phải ngủ trên một chồng báo đặt dưới sàn nhà, do căn phòng chẳng còn chỗ trống nào để đặt giường. Chan sống trong một căn phòng không cửa sổ chẳng lớn hơn chỗ đỗ xe là mấy. Và chỉ cần đứng trong đó vài phút, ông cũng cảm thấy như bị cầm tù. Tệ hơn nữa là ông phải chia sẻ nhà bếp, toilet và chỗ ở với 7 gia đình khác.
Nhưng khi bước ra khỏi căn phòng của ông, thoát ra ngoài hành lang chật hẹp, bạn sẽ được chiêm ngưỡng toàn cảnh Hong Kong (Trung Quốc) từ trên cao. Đây là tầm nhìn của một penthouse (căn hộ gác mái), nhưng từ một căn phòng chỉ dành cho người nghèo.
Căn phòng này được dựng lên từ những tấm gỗ và kim loại rẻ tiền, còn bên trong được ngăn ra cho nhiều người hoặc gia đình cùng ở. Vào mùa hè, chúng đặc biệt nóng, và tới mùa đông thì rất lạnh.
Nơi ở của ông Chan chỉ nhỏ như một chỗ đỗ xe. Ảnh: BBC |
Theo BBC, nguyên nhân của tình trạng này là giá nhà đắt đỏ nhất thế giới của Hong Kong. Giá nhà ở tại đây đã tăng hơn gấp đôi từ năm 2009. Bất chấp nhiều biện pháp hạ nhiệt của giới chức, các chuyên gia cho rằng con số này sẽ còn tiếp tục lên cao.
Tại khu nhà của người thuộc tầng lớp lao động ở Sham Shui Po (Kowloon, Hong Kong), các tòa nhà mọc lên san sát nhau. Người đứng dưới đường cũng chẳng thấy được trên các nóc nhà là hàng nghìn người đang sống chen chúc trong tình trạng nguy hiểm.
Đường dẫn vào nơi ở của ông Chan và 7 gia đình khác. Ảnh: BBC |
Cách đó vài tòa nhà là trụ sở một tổ chức phi lợi nhuận giúp người nghèo tìm chỗ ở trên các nóc nhà cao tầng. Natalie Yau đã làm việc ở đây hơn 2 năm. Cô cho biết giới chức vẫn chưa làm hết khả năng để hỗ trợ những người như ông Chan.
“Hong Kong thực sự là một thành phố giàu có. Nhưng nơi này không có chính sách nhà ở hợp lý. Những người sống trong nơi ở tồi tàn chính là sự thất bại của các chính sách này. Chính quyền có cung cấp nhà ở xã hội cho những gia đình thu nhập thấp, nhưng số lượng ngày càng ít. Danh sách đăng ký chờ nhà đã dài dằng dặc rồi”, cô nói.
Nếu nhìn từ trên cao, Hong Kong thực sự rất lộng lẫy. Nhưng nghèo đói vẫn là vấn đề tại thành phố này và đang ngày một trầm trọng vì thiếu nhà ở.
Tại đây không hiếm cảnh những người già đào bới thùng rác, đẩy những chiếc xe chất đầy thùng các-tông cũ để tái chế, hay thậm chí ngồi vỉa hè bán rau buổi tối. Vì phần lớn thu nhập của họ đã đổ vào tiền thuê nhà.
Những căn nhà dựng trên nóc nhà cao tầng dành cho người nghèo. Ảnh: BBC |
Tại quận Peak nổi tiếng của Hong Kong, mỗi căn nhà trung bình có giá tới 240-970 triệu đôla Hong Kong (30-125 triệu USD). Nhưng kể cả các căn hộ tại khu này cũng đã bán được với giá hàng triệu HKD.
Simon Smith – Giám đốc nghiên cứu khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại hãng bất động sản Savills cho biết có rất nhiều yếu tố khiến giá nhà tại Hong Kong tăng cao. “Đôla Hong Kong được neo vào đôla Mỹ. Vì vậy, khi lãi suất được giữ ở mức thấp, tiền tệ tại Hong Kong rẻ đi, khiến mọi người rất dễ mua nhà thế chấp”, ông giải thích.
Nới lỏng tiền tệ cũng là một nguyên nhân. Không chỉ Mỹ, mà cả Trung Quốc và Nhật Bản cũng đang làm như vậy. Việc này phần nào ảnh hưởng đến Hong Kong. “Nếu nhìn vào các yếu tố nền tảng của thị trường, anh còn thấy Hong Kong đã thiếu nguồn cung nhà ở trong nhiều năm nay. Chính quyền nhiệm kỳ trước đã thất bại trong việc đưa đất mới vào thị trường. Đây là vấn đề giới chức hiện tại đang cố giải quyết. Nhưng dù sao, nó cũng chẳng phải việc muốn là được ngay”, Smith nhận xét.
Chan không hiểu thế nào là chính sách tiền tệ, hay nó hoạt động ra sao. Tất cả những gì ông biết là đã phải chờ quá lâu để có căn nhà cho riêng mình. “Tôi đã đợi nhà ở xã hội 2 năm rồi. Nhưng tất cả những gì chính quyền làm là tuyên bố không có đủ đất”, ông nói.
Có lẽ ước muốn của ông Chan sẽ khó thành hiện thực sớm. Vì thời gian đợi nhà trung bình của các gia đình tại đây là 4 năm. Nhưng Chan còn vướng nhiều rắc rối khác. Nếu không tìm được việc làm ổn định, ông sẽ phải chuyển xuống chỗ ở chật chội hơn, và có thể còn chẳng có chỗ nhìn xuống nữa.
Hà Thu