Nghèo hóa trên vùng đất ven đô

Nông dân thất nghiệp

Ngồi bên quán nước tạm, phóng tầm mắt ra mảnh đất bỏ hoang mọc đầy cỏ dại, ông Nguyễn Hữu Sảng, Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 2, phường Phú Đô nhớ lại: Giai đoạn 2004 – 2005, khi nhà nước có chủ trương giải phóng mặt bằng diện tích đất thuộc dự án xây dựng sân vận động Mỹ Đình, dân trên địa bàn phường Phú Đô có chưa đầy 50% hộ gia đình đồng ý bán đất.

Nguyên do có sự không đồng thuận này bởi thời điểm đó đất ở vùng Phú Đô có giá đền bù khá thấp, chỉ 5-7 triệu/m2 . Hơn nữa, những tấc đất ấy là đất hương hỏa, trồng cấy sinh nhai của người làng Phú Đô, tất thảy họ đều chung suy nghĩ “bán đất lấy gì mà sống”. Thế nên, việc bán đất nhường chỗ cho dự án khi ấy vẫn còn ít được người làng nhắc tới.

Nhưng chưa đầy nửa năm sau đó, đất ở khu vực này “đội giá” lên tới 100 triệu/m2, thậm chí nếu ở vị trí “đắc địa” thì đất Phú Đô còn có giá lên tới 200 triệu/m2. Số tiền bồi thường có giá trị lớn, có không ít hộ gia đình trong vùng nhận về một lúc trên 3 tỷ đồng. Trông thấy cảnh có nhiều tiền lại không phải bỏ công lao động nặng nhọc, những người dân Phú Đô nô nức cắt xẻ đất, bán tống bán tháo lấy tiền tiêu xài.

Chung tình cảnh như Phú Đô, xã Di Trạch cũng là địa bàn bị “cơn lốc” thu hồi đất phục vụ dự án “quét” qua. Bà Nguyễn Thị Kim Anh (45 tuổi), Trưởng thôn Rền, xã Di Trạch, huyện Hoài Đức bần thần cho biết: Xã Di Trạch đất nông nghiệp bị thu hồi nhiều nhất vùng, số lượng gần như toàn bộ. Số diện tích đất ở ít ỏi còn lại hiện giờ cũng… đang nằm trong quy hoạch. Người dân Di Trạch sau khi đất canh tác bị thu hồi, họ phần lớn trở thành những nông dân thất nghiệp.

Vì sao lại nói như vậy? Theo lời bà Trưởng thôn: “Ngoài nông nghiệp ra, họ hoàn toàn không được đào tạo, học hành nghề nào khác”. Quả thực, chỉ cần chút tinh ý có thể thấy rằng khu vực Di Trạch thời điểm trước khi đất đai nằm trong dự án, người dân phần lớn sống nhờ nông nghiệp. Đất ruộng cho ra những hạt lúa, củ khoai tuy không làm người Di Trạch giàu có, phát tài nhưng bám víu vào nó cũng đủ nuôi sống và tạo công ăn, việc làm cho hầu hết lao động nơi đây. Dĩ nhiên, người trong làng, trong xã thời điểm ấy hầu hết chẳng ai ngờ sẽ có lúc mình đi chơi hay ngồi lê la quán bia, quán nước tối ngày như bây giờ.

Ấy vậy mà cái chuyện nông dân không có việc làm vẫn chưa chua xót bằng cảnh ruộng đã thu hồi, giải phóng mặt bằng ở Di Trạch giờ bị bỏ hoang. Một người dân than thở: “Nhìn ruộng đất bỏ hoang mà xót ruột nên chúng tôi phải tranh thủ một vài mét đất ven làng để trồng bí, bầu kiếm thêm đồng rau, cháo qua ngày”.

Bi kịch nhãn tiền từ việc “giàu xổi”

Đất đai được đền bù, có trong tay số tài sản lớn lại không có công ăn việc làm, tệ nạn xã hội xảy ra ở vùng đất quê mới ngày đầu “lột xác” là tất yếu khó tránh. Chẳng hạn, vào khoảng tháng 1/2013, tại một khu đất trống trong làng Phú Đô, một ổ nhóm đánh bạc dưới hình thức đá gà đã bị lực lượng chức năng bắt quả tang. 19 đối tượng bị bắt giữ tang vật thu được trên 40 triệu đồng.

Bà Hồng, chủ quán tạp hóa đối diện khu vực chợ Mễ Trì bức xúc kể: “Ngày xưa, thanh niên làng chỉ quen làm đồng, làm ruộng, giờ chúng suốt ngày chỉ biết quẩn quanh, lê la quán nước, internet rồi thì đề đóm. Cái ao rau muống ngày xưa giờ trở thành khu liên hợp ăn chơi với hàng chục quán nhậu, karaoke, nhà nghỉ”.

Gia đình ông Nguyễn Tiến H. (xóm 2, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm) trước đây có hơn một nghìn mét đất nông nghiệp. Năm 2008, toàn bộ số đất ruộng này của ông H. nằm trong dự án nên hầu như bị quy hoạch. Nắm trong tay hơn một tỷ đồng từ dự án đền bù, cậu con trai thứ ba của ông H là Nguyễn Văn C (sinh năm 1986) bỗng “dở chứng” đam mê cá độ, đỏ đen.

Số tiền có được từ đền bù đất của ông H cũng theo “thú vui” của cậu con trai dần tiêu tan, thậm chí tiền nợ lãi sau ngày Nguyễn Văn C biệt xứ, trốn nợ để lại còn lên tới 300 triệu đồng. Nắm rõ vụ việc này, ông Bí thư Nguyễn Hữu Sảng cho biết: “Do gia đình có nhà cao cửa rộng, có tiền nên đã bị các đối tượng xấu để ý, lợi dụng đưa con cái vào các tệ nạn xã hội. Sau khi hết tiền thì bọn chúng cho vay lãi nặng, đến khi không có tiền trả, chúng đến nhà đập phá, dùng chất bẩn ném vào nhà. Đỉnh điểm của vụ nhà ông H. là tối 30 Tết năm 2013, một nhóm đối tượng lạ đã ngang nhiên dùng ruột phích đựng mắm tôm, gạch đá ném vào sân, vào cửa nhà làm vỡ cửa kính”.

Ngoài trường hợp của ông H, bà Nghiêm Thị Hiên (trú tại tổ dân cư số 1, phường Phú Đô) cũng trong tình cảnh tương tự như vậy. Bà Hiên ngậm ngùi kể: “Trước kia gia đình được đền bù từ dự án giải phóng mặt bằng nên có một số tiền. Thấy gia đình tôi có tiền lại có lòng tin đối với dân làng nên kẻ xấu đã giả mạo người kinh doanh bất động sản để lừa tiền”.

Theo thuật lại, những đối tượng lừa đảo đã thuyết phục bà Hiên mang sổ đỏ đi thế chấp, ngoài ra còn vay mượn thêm sổ đỏ của nhiều hộ gia đình trong khu vực để đi thế chấp đầu tư mua đất. Sau khi trao toàn bộ tiền cho những đối tượng này, chúng đã ôm tiền cao chạy xa bay.

Trước những nhức nhối, tệ nạn xảy ra sau quá trình thu hồi đất phục vụ dự án, bà Phạm Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Đô khẳng định, “chìa khóa” giúp cải thiện tình trạng trên phụ thuộc hoàn toàn vào chính sách dạy nghề cũng như đào tạo công ăn việc làm cho người dân sau khi mất ruộng. Theo thông tin mà bà Phó Chủ tịch UBND phường cung cấp thì hiện Phú Đô đang tích cực xúc tiến các dự án phát triển nghề làm bún của địa phương. Thông qua việc “vực dậy” làng nghề truyền thống sẽ góp phần giảm thiểu thời gian rảnh rỗi của người dân, bớt đi các tệ nạn xã hội vốn đã nhức nhối trên địa bàn.

Chủ trương là vậy, thế nhưng công tác đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm cho những hộ dân mất ruộng không phải địa phương nào cũng có phương hướng phát triển. Thậm chí, với nhiều địa phương, chính sách này gần như không phát huy được hiệu quả. Xã Di Trạch, huyện Hoài Đức là một ví dụ cụ thể.

Theo phản ánh của bà Trưởng thôn Nguyễn Thị Kim Anh, hiện tại xã đã đưa các dự án đào tạo nghề như sửa chữa ô tô, xe máy, nấu ăn, kỹ thuật trồng nấm… vào đào tạo, thôn cũng vận động nhân dân tham gia các khóa học. Tuy nhiên, chỉ duy nhất có nghề trồng nấm mà bà con học và áp dụng vào ban đầu có hiệu quả. Các nghề còn lại chỉ đào tạo ở mức độ sơ cấp thì hình thức đào tạo ngắn hạn, chưa có đủ trình độ nghiệp vụ nên những học viên sau khi tốt nghiệp không xin được việc.

Nhìn bề ngoài có vẻ như đời sống vật chất của những người dân hậu thu hồi đất đang dần được nâng lên với đường sá mở rộng, nhà cửa, trường học mọc lên san sát. Song, thực tế đó chỉ là lớp “váng mỡ” nổi trên bề mặt bức tranh đô thị hóa. Người nông dân trong bức tranh ấy vẫn đang ấp ủ những giấc mơ dang dở…

Bình Văn (PLVN)

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Để lại một bình luận

0913.756.339