Sửa quy định cải tạo chung cư
Như VnMedia đã đưa tin, việc thực hiện cải tạo, xây dựng lại khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp tại Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn do phải tuân thủ về độ cao, mật độ dân cư, mật độ xây dựng theo quy hoạch, yêu cầu về diện tích tái định cư tại chỗ của hộ dân, mật độ xây dựng theo quy hoạch, yêu cầu về diện tích tái định cư tại chỗ của các hộ dân, nên không thu hút được nguồn đầu tư.
Về vấn đề này, ngày 2/10, trong báo cáo Chính phủ về việc thực hiện Luật Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Hồng Sơn thay mặt Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các quy định liên quan đến chính sách cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp trên địa bàn Thành phố.
Cũng trong báo cáo gửi Chính phủ, ông Lê Hồng Sơn cho biết, để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế Thủ đô, nhu cầu đầu tư cho các dự án trọng điểm của Hà Nội luôn là rất lớn. Riêng năm 2014, khoảng 28.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Thành phố là 20.800 tỷ đồng, với nhiều dự án quy mô lớn. Đặc biệt là sau khi mở rộng địa giới thành phố Hà Nội, cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn còn khó khăn, nguồn vốn đầu tư hạn chế so với yêu cầu. Do đó, việc thực hiện các nhiệm vụ chi ngân sách của Thành phố gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các nhiệm vụ chi ngân sách đầu tư cho các công trình trọng điểm của Thủ đô, Hà Nội đã đề nghị Ngân sách Trung ương xem xét, hỗ trợ cho Thành phố một số công trình, dự án quan trọng về môi trường, giao thông, thủy lợi có quy mô lớn do Thành phố quản lý vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương theo nguyên tắc đã quy định tại Luật Thủ đô.
Di dời cơ sở ô nhiễm: Chỉ hỗ trợ 50%
Liên quan đến cơ chế về sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước và xác định nghĩa vụ tài chính các dự án, hiện nay, trên địa bàn Thành phố có nhiều trụ sở của các bộ, ngành Trung ương đóng trên địa bàn đang thực hiện sắp xếp, di dời theo Quyết định 09 của Thủ tướng Chính phủ. Các diện tích đất sau khi di dời vừa qua phần lớn được đầu tư các công trình nhà ở, trung tâm thương mại, do đó ảnh hưởng rất lớn đến quy hoạch chung Thủ đô.
Trong khi đó, theo UBND Thành phố thì nguồn thu tiền sử dụng đất các dự án này lại được dùng để đầu tư trở lại cho các bộ, ngành và đó là điểm chưa phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Điều 15 Luật Thủ đô.
Vì vậy, Thành phố đã đề nghị Chính phủ sửa đổi quy định, giao các cơ sở nhà đất sau khi thực hiện sắp xếp cho Thành phố để thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch.
Ngoài ra, đối với thực hiện hỗ trợ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường không phù hợp với quy hoạch, Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 theo nguyên tắc chỉ hỗ trợ tối đa 50% tiền sử dụng đất thu được tại vị trí cũ để đầu tư các dự án tại cơ sở mới, phần còn lại ngân sách các địa phương được hưởng để đầu tư các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực dự án.
Một trong những khó khăn cho Hà Nội khi thực hiện Luật Thủ đô, đó là cho đến nay vẫn còn 2 Quyết định quy định chi tiết thi hành Luật Thủ đô trực tiếp ảnh hưởng tới quy hoạch đô thị và đời sống của người dân thuộc thẩm quyền ban hành của Trung ương nhưng chưa được ban hành.
“Các quy định này gián tiếp hay trực tiếp đều liên quan đến các chính sách phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô của Hà Nội, đặc biệt là các chính sách ưu đãi đầu tư, xây dựng.” – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Hồng Sơn cho biết.
Do vậy, để đảm bảo tính đồng bộ trong việc triển khai thi hành Luật Thủ đô, UBND Thành phố đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành được giao chủ trì xây dựng các văn bản hoàn thiện trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền.
Cũng liên quan đến vấn đề chính sách, Hà Nội đề xuất nghiên cứu, bổ sung Khoản 2 Điều 20 Luật Thủ đô về lĩnh vực quảng cáo, xây dựng… nhằm giải quyết một số bức xúc về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội như: nâng mức phạt tiền đối với hành vi quảng cáo, viết vẽ bên ngoài nhà ở trái quy định, phóng uế bừa bãi, xả rác thải, nước thải, khí thải… gây ô nhiễm môi trường.
Xuân Hưng (VnMedia)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.