Ông Trần Văn Truyền nói và làm về nhà đất

“Căn cứ đồng lương, kể cả việc sản xuất kinh doanh gia đình cũng không thể lý giải được mức sống đó”, ông Trần Văn Truyền nói vào năm 2005, khi còn làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cho biết “về căn nhà biệt thự tại xã Sơn Đông, TP Bến Tre” của ông Truyền: Con trai của ông là Trần Hoàng Anh, cán bộ CSGT Công an tỉnh mua hơn 1,6 ha đất, “tổng số tiền theo hợp đồng là 1,43 tỷ đồng”; tiền xây dựng căn biệt thự 3 tầng (tầng trệt 441,71 m2; tổng diện tích sàn 1.226,61 m2), gồm 7 tỷ đồng của vợ chồng ông “dành dụm” và “4 tỷ đồng mượn”.

Như thế, nếu toàn bộ lương bộ trưởng một tháng khoảng 14 triệu đồng (vợ ông nội trợ) và lương của con trai mới lên thiếu tá, không ăn uống, để dành khoảng 30 năm mới tương đương nhà đất biệt thự này.

Chưa kể, theo lời ông Nguyễn Thành Nhân, trưởng ấp 3, xã Sơn Đông, giá thị trường của chỗ đất thời điểm mua bán là hàng chục tỷ đồng, chứ không phải như giá ghi trong hợp đồng.

Biệt thự tại xã Sơn Đông, TP Bến Tre.

“Kê khai phải trung thực”, ông Truyền nói như thế bên hành lang Quốc hội sáng 14/6/2010.

Kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương: “Tháng 12/1992, đồng chí Trần Văn Truyền được Quân khu 9 cấp thửa đất tại lô số 61 thuộc khu C, địa chỉ 598B5 Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương, thị xã Bến Tre do đơn vị Quân y thuộc Tỉnh đội Bến Tre quản lý với diện tích 210 m2(diện tích trên thực tế là 351 m2)” và “năm 2003 đồng chí lại được tỉnh bán cho căn nhà số 06 Lê Quý Đôn, phường 1, TP Bến Tre”.

Kết luận: “Bản thân đồng chí Trần Văn Truyền đã thiếu tự giác, thiếu gương mẫu” trong kê khai để “được hưởng 2 lần chính sách về nhà, đất của Nhà nước”.

“Ngay cả nhà, đất họ có đứng tên đâu”, lời của ông Truyền năm 2005.

Kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cho biết, dù đã có nhiều nhà đất ở Bến Tre, năm 2003, ông Truyền còn xin mua căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 15, quận Phú Nhuận, TPHCM.

Ông làm đơn “trình bày hoàn cảnh khó khăn, bức xúc về nhà ở và đề nghị UBND TPHCM bán căn nhà này cho đồng chí và để con gái là Trần Thị Ngọc Huệ đứng tên”.

“Hay từ trên trời rơi xuống”, ông Truyền trả lời báo chí tháng 2/2014. Đó là lúc dư luận xôn xao ông có nhiều nhà đất ở TPHCM. Nguyên văn lời ông: “Nói tôi có rất nhiều nhà ở TPHCM mà tôi cũng chẳng hiểu những căn nhà đó là ở đâu hay từ trên trời rơi xuống?”.

Kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chỉ rõ, lúc ông Truyền làm đơn xin mua căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 15, quận Phú Nhuận, thì tại TPHCM, ông đã có 2 căn nhà. Một căn hộ cao cấp do chính con gái Trần Thị Ngọc Huệ đứng tên và vợ ông sở hữu “căn nhà 3 tầng, diện tích xây dựng 211,8 m2, tổng diện tích sàn là 505,1 m2”. Nên căn nhà số 105 mua xong “cho người khác ở và bán hàng”.

“Công khai, minh bạch luôn cả về tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức”, ông Truyền nói bên lề cuộc đối thoại với các nhà tài trợ về phòng chống tham nhũng, đầu tháng 12/2007.

Trong thực tế, ngoài những nhà đất vừa kể trên, hồi ông Truyền làm Phó bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre, còn thuê của Nhà nước một căn nhà ở phường 6 (TP Bến Tre) nhưng không ở, mà cho thuê lại với giá cao hơn trong hàng chục năm, sau đó mới trả lại. Kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, ông Truyền “thiếu trung thực”.

Sáu Nghệ (Tiền Phong)

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Để lại một bình luận

0913.756.339