Thủ tướng trả lời chất vấn tại Quốc hội. Ảnh: N.L
Người đứng đầu Chính phủ đã đi thẳng vào vấn đề mà nhiều đại biểu gửi câu hỏi chất vấn ông và đây cũng là mối quan tâm chung của toàn xã hội: nợ công và khả năng trả nợ công trong điều kiện khó khăn.
Ông nói rằng, do những ảnh hưởng mà khó khăn, suy thoái kinh tế mang lại, tốc độ tăng GDP suy giảm trong những năm gần đây dẫn đến tỷ lệ thu ngân sách/GDP giảm theo. Trong khi đó Chính phủ vẫn cần tăng chi để duy trì bộ máy (chi thường xuyên), chi tăng lương, phụ cấp… Việc này khiến cho chi đầu tư phát triển giảm mạnh, xuống còn mức 18% hiện nay thay vì 25% GDP của giai đoạn 2011-2015.
Để đảm bảo nhiều mục tiêu, cân đối ngân sách cùng lúc, Chính phủ đã tăng vay nợ, từ kế hoạch phát hành trái phiếu 250 ngàn tỉ đồng (2006-2010), đã tăng lên mức 335 ngàn tỉ đồng (2011-2015).
Đồng thời việc giải ngân mạnh vốn ODA, vốn vay ưu đãi và bảo lãnh vay để đầu tư phát triển, xây dựng hạ tầng… khiến cho nợ công tăng mạnh và dự kiến đến cuối 2015 sẽ lên khoảng 64%. Nợ nước ngoài qua vốn ODA lãi suất kém ưu đãi hơn trước cộng với nợ trong nước chủ yếu qua phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn ngắn, lãi suất cao đã dẫn đến áp lực trả nợ trực tiếp của Chính phủ tăng trong ngắn hạn.
Ông cho biết tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách năm 2014 là 14,2 % (theo quy định không quá 25%). Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải vay mới để đảo nợ cũ, nhằm giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn.
Cụ thể, năm 2012, phát hành trái phiếu Chính phủ 144.000 tỉ đồng; kỳ hạn phát hành bình quân là 2,97 năm, lãi suất bình quân 9,8%/năm. Năm 2013, phát hành gần 182.000 tỉ đồng, trong đó dành khoảng 40.000 tỉ đồng để đảo nợ; kỳ hạn bình quân là 3,21 năm, lãi suất bình quân khoảng 7,79%/năm. Năm 2014, phát hành trên 330.000 tỉ đồng, trong đó dành khoảng 77.000 tỉ đồng để đảo nợ; kỳ hạn bình quân là 4,85% năm, lãi suất bình quân là 6,62%/năm.
Ngoài ra, tháng 11 vừa qua, Chính phủ đã phát hành 1 tỉ đô la Mỹ có kỳ hạn 10 năm ra thị trường quốc tế với lãi suất 4,8%/năm để đảo nợ các khoản trái phiếu đã phát hành trước (2005 và 2010), nhằm giảm chi phí lãi vay.
Tuy nhiên, Thủ tướng khẳng định: “Nợ công đã tăng sát trần và áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn”. Đây là hậu quả của các dự án đầu tư kém hiệu quả, tình trạng tham nhũng… “Nếu không kiểm soát chặt chẽ sẽ gây mất an toàn tài chính quốc gia”, ông nhấn mạnh.
Do đó, ông báo cáo trước Quốc hội rằng Chính phủ sẽ kiểm soát, quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới, đảm bảo theo đúng quy định, nhằm phấn đấu đến 2020, nợ công giảm còn 60,2% GDP. Mặt khác sẽ kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ đầu tư xây dựng cơ bản, nợ nguồn chưa sử dụng của kho bạc nhà nước, nợ vay của Quỹ bảo hiểm xã hội, nợ của DNNN để đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.
Thủ tướng cũng khẳng định sẽ chỉ dùng nợ công chi cho đầu tư phát triển và khẩn trương cơ cấu lại nợ công trong ngắn hạn. Thủ tướng đề nghị các khoản vay mới, kể cả vay đảo nợ chủ yếu phải có kỳ hạn 5 năm trở lên. Trong khi đó, tại nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc chỉ cho phép phát hành trái phiếu 5 năm trở lên mà không cho phép phát hành trái phiếu ngắn hạn.
Ông cũng cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng cường quản lý hoạt động vay ngắn hạn của các tổ chức tín dụng để từ năm 2015 đảm bảo nghĩa vụ trả nợ nước ngoài trong giới hạn quy định (dưới 25% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa dịch vụ hàng năm). Bởi năm 2014 tỷ lệ này khoảng 25,9% do trong đó có 11,3% là do các ngân hàng thương mại đã tận dụng vay ngoại tệ ngắn hạn, lãi suất thấp ở nước ngoài để đáp ứng ngay cho nhu cầu thanh toán hàng hóa dịch vụ nhập khẩu.
Lan Nhi (TBKTSG)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.