18,7 tỉ USD sân bay Long Thành to cỡ nào?

Theo trình bày của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng trước QH sáng 29/10, sân bay Long Thành được chia làm 3 giai đoạn đầu tư với tổng mức đầu tư là 18,7 tỉ USD.

Giai đoạn 1 (đến 2025): Đầu tư nhà ga hành khách công suất 25 triệu hành khách/năm và nhà ga hàng hóa công suất 1,2 triệu tấn/năm, 2 đường cất hạ cánh song song cấu hình đóng.

Giai đoạn 2 (đến 2030): Nâng công suất khai thác lên 50 triệu hành khách/năm.

Giai đoạn 3 (sau 2030): 100 triệu hành khách/năm.

Với diện tích của cảng HKQT Long Thành 5.000ha, sẽ có hơn 5.000 hộ dân bị ảnh hưởng.

Dự kiến vốn nhà nước (vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ, ODA…) giai đoạn 1 là 84.624 tỷ đồng. Trong đó, giai đoan 1a là 57.857,7 tỷ đồng (khoảng 48,65% khái toán tổng mức đầu tư).

Vốn huy động khu vực ngoài nhà nước (vốn doanh nghiệp, cổ phần, liên doanh liên kết, hợp tác công tư (PPP) là 79.965 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1a là 61.052,6 tỷ đồng (51,35% khái toán tổng mức đầu tư).

Sân bay Long Thành có diện tích 5.000 ha và công suất ước đạt 100 triệu hành khách/năm nhưng so với với cảng HKQT Chek Lap Kok (Hong Kong) chỉ với diện tích 1.255 ha có công suất đạt 50 triệu hành khách/năm, Changi (Singapore) rộng 1.300 ha công suất đạt 42 triệu hành khách/năm.

Bộ GTVT cho biết việc xây sân bay Long Thành sẽ giúp hình thành và phát triển một cảng hàng không quốc tế trung chuyển có quy mô tầm cỡ trong khu vực nhằm phục vụ chiến lược phát triển vận tải hàng không Việt Nam.

Ngoài ra là đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không khi cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt công suất thiết kế và trở nên quá tải, nhất là trong bối cảnh mở rộng Tân Sơn Nhất để đạt công suất 40 – 50 triệu hành khách vào khoảng năm 2025 -2030 là không khả thi.

Hiền Anh (Vietnamnet)

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Để lại một bình luận

0913.756.339