Bà Phấn đề nghị: “UBND huyện Lấp Vò trả lại 1/3 diện tích đất ao, mương trước đây”
Đất “ốm” dần
Vợ chồng bà Phấn nhận sang nhượng của vợ chồng bà Lê Thị Gấm (sinh năm 1899) mảnh đất có diện tích bốn công vuông, tương đương 5.304m2 vào năm 1970. Đất gia đình bà giáp Quốc lộ 80, chiều ngang 60m. Năm 1993, huyện Thạnh Hưng (nay là Lấp Vò) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho bà với diện tích 3.770m2, trong đó có 300m2 đất thổ cư, 3.470m2 đất vườn, giảm 1.534m2 so với thực tế. Bà Phấn cho hay: “Trước đây khu nhà tôi vốn là vùng trũng. Lúc làm nhà, lập vườn, gia đình tôi đào một cái ao và con mương xung quanh để lấy đất làm vườn. Khi đo đạc để cấp GCNQSDĐ, người ta chỉ đo diện tích đất “nổi” mà không đo ao, mương nên đất của gia đình tôi bị thiếu”.
Với số đất bị đo thiếu, bà rào giậu tứ phía, lập vườn canh tác và làm đơn xin cấp quyền sử dụng nhưng chưa được. Năm 1994, hưởng ứng lời kêu gọi tăng gia sản xuất của địa phương, vợ chồng bà trồng thêm nhiều loại cây ăn quả và mở rộng ao thả cá, xây dựng chuồng trại chăn nuôi heo theo mô hình vườn – ao – chuồng, mỗi năm thu lãi hơn 40 triệu đồng.
Năm 1997, xã Bình Thành quy hoạch khu dân cư, cưỡng chế nhà bà Phấn cùng khoảng chục hộ khác tại ấp Bình Lợi. Lúc cưỡng chế, xã không cho các hộ kê biên nhà cửa và tài sản trên đất. Giải tỏa xong, xã đền bù cho dân. Gia đình bà Phấn được bồi thường gần 47 triệu đồng nhưng bà không đồng ý và tiếp tục khiếu nại. Ngày 10-12-1999, Thanh tra Nhà nước (nay là Thanh tra Chính phủ) và UBND tỉnh Đồng Tháp giao thanh tra tỉnh kết hợp huyện Lấp Vò cùng các ngành liên quan giải quyết, giao cho gia đình bà Phấn 11 nền nhà, hai nền khác thì bán lại. Bà yêu cầu đổi ngang 28 nền nhà, tương đương 1.792m2, nhưng xã không đồng ý vì cho rằng “yêu cầu của bà quá cao”.
Ngày 5-2-2001, UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt đầu tư dự án khu dân cư số một, xã Bình Thành. Cuối năm 2002, tỉnh có công văn chấp nhận chủ trương, phê duyệt phương án và giá trị đền bù giải phóng mặt bằng. Bà Phấn được bồi thường tổng cộng 110.034.200 đồng, được mua lại năm nền nhà. Bà không đồng ý, tiếp tục khiếu nại. Bà cho biết: “Trên đất của mình, nếu địa phương xây dựng các công trình công cộng như đường, cống thoát nước… thì tôi hiến không nhận tiền”.
Ngày 27-3-2008, chủ tịch huyện cùng các ban ngành huyện Lấp Vò đối thoại với bà Phấn. Huyện đưa ra phương án: giao cho bà 16 nền, tổng diện tích 1.212m2, bà không phải nộp tiền sử dụng đất với điều kiện “không nhận tiền bồi hoàn, không yêu cầu trả hoa lợi chín năm qua trên đất”. Như vậy, sau nhiều lần giải tỏa, quy hoạch, đất của bà Phấn từ 5.304m2 còn 1.212m2. Bà không đồng ý phương án trên của huyện.
Bác yêu cầu vì chưa khiếu nại
Ngày 17-4-2008, huyện Lấp Vò có Quyết định 377/QĐ-UBND-NĐ, trong đó có nội dung: “Bà Phấn thống nhất nhận 16 nền nhà”. Vị trí nằm ở phía sau Quốc lộ 80. Ngày 4-11-2008, tỉnh Đồng Tháp có Quyết định 661/QĐ.UBND.NĐ chuẩn y quyết định 377. Bà Phấn cho biết: “Tôi không đồng ý phương án mà huyện Lấp Vò đưa ra tại phiên đối thoại ngày 27-3-2008. Do đó, tỉnh Đồng Tháp ra quyết định như vậy là chưa hợp lý. Giao lại số lượng nền nhà như vậy là quá nhỏ so với diện tích vốn có của tôi. Vị trí các lô đất cũng không liền cư. Ngày trước, đất của tôi ở mặt tiền, nay cấp cho tôi ở mặt hậu là không thỏa đáng”. Bà Phấn khiếu nại Quyết định 661 của tỉnh Đồng Tháp.
Ngày 28-10-2009, trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước có văn bản 74/HD-TDTW với nội dung: “Yêu cầu bà Phấn thực hiện quyết định của tỉnh. Sau khi giải thích, bà Phấn đã đồng ý và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết cấp nền nhà theo quyết định của tỉnh. Địa phương tạo điều kiện cấp liền nhau trong khu quy hoạch để gia đình tiện sử dụng và nâng cao hiệu quả”. Tại trụ sở tiếp dân Trung ương Đảng, bà Phấn đề nghị là vậy, nhưng để có được một số nền nhà liền kề, bà phải bỏ tiền hoán đổi cho người khác. Ngoài việc đòi vị trí, diện tích đất, bà cũng yêu cầu xin lại 1/3 trong tổng số 1.534m2 đất ao, mương bị đo thiếu.
Ngày 9-10-2014, trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Văn Võ, Phó Chánh văn phòng huyện Lấp Vò cho biết: “Ngày 3-6-2014, UBND huyện Lấp Vò có cuộc đối thoại với bà Phấn. Phó chủ tịch UBND huyện Lấp Vò Đặng Hữu Tâm kết luận như sau: “Hiện trạng đến thời điểm này, diện tích 1.534m2 ao, chuồng không còn xác định. Theo báo cáo của UBND xã Bình Thành, Phòng Tài nguyên và Môi trường với bản đồ 299 thì phần diện tích đất của gia đình được thể hiện trên phần mương lộ công cộng. Theo sơ đồ cấp GCNQSDĐ năm 1993 với diện tích là 3.770m2. Tại phiếu điều tra ngày 12-5-1997, trong đó có nội dung gia đình kê khai (cây trồng, đất đai…) cũng đã thống nhất phần diện tích 3.770m2. Xét thời hiệu yêu cầu khiếu nại thì gia đình đã hết thời hiệu khiếu nại”. Ông Võ cũng cho biết: “Diện tích ao, chuồng là vấn đề mới phát sinh. Lúc trước bà Phấn không đặt vấn đề này nên huyện không xem xét giải quyết”.
Bà Phấn trình bày: “Năm 1993, huyện Thạnh Hưng cấp GCNQSDĐ đất cho nhà tôi, họ đo thiếu phần ao, mương – phần này nằm trong giấy chuyển nhượng của tôi chứ không phải mương lộ công cộng nên tôi đã khiếu nại. Quá trình khiếu nại, tôi tập trung đòi lại đất được cấp trong GCNQSDĐ và có đề cập đến đất ao, mương nhưng chưa được giải quyết. Diện tích đất này của tôi tuy lên tới 1.534m2, nhưng sau quá trình san lấp, đầu tư cơ sở hạ tầng, tôi xin bồi hoàn cho chủ đầu tư hai phần, còn lại đề nghị cơ quan chức năng giải quyết cho tôi được sở hữu diện tích này”.
Hải Văn (Công an TP.HCM)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.