Trường mầm non Tân Hiệp bị bỏ hoang
Dự án (DA) này có từ hơn 10 năm nay nhưng đến giờ vẫn chưa thực hiện khiến hệ thống giáo dục – y tế, cơ sở hạ tầng gặp không ít khó khăn. Điều đáng nói là các hộ trên đã đóng tiền từ lâu nhưng đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa cấp sổ đỏ, cũng chẳng xây dựng hệ thống lưới điện. Đến khu kinh tế mới này, cảnh tượng đầu tiên hiện ra trước mắt là những con đường đất đỏ đầy rẫy “ổ voi”, “ổ gà” nằm ngay bên lô cao su, những căn nhà nhỏ bé lọt thỏm, thưa thớt người qua lại.
Ông Võ Văn H. (SN 1954, ngụ tổ 2, ấp Tân Lập) cho biết: “Chúng tôi là những người dân nghèo ở Bến Tre di cư lên đây làm kinh tế mới, đa số đều là gia đình có công với cách mạng. Trước kia nơi đây thuộc về xã Đồng Nơ huyện Bình Long, năm 2009 tách về xã Tân Hiệp huyện Hớn Quản. Cứ ngỡ sau đó đời sống người dân sẽ ổn định hơn, nhưng trái lại khổ càng thêm khổ. Năm 2012 có cán bộ đến yêu cầu đóng 4 triệu đồng làm sổ đỏ, chúng tôi thực hiện đầy đủ nhưng không hiểu sao đến nay đã hơn hai năm vẫn chưa thấy gì? Nhiều lần phản ánh thì được ông Ngô Hữu Đức – Bí thư xã Tân Hiệp – nói sẽ cấp, nhưng đến nay vẫn chưa thấy”.
Ngoài ra, người dân nơi đây còn phải sống trong cảnh thiếu điện, nước sinh hoạt. Năm 2004 xã Tân Hiệp có DA xây trường mầm non, trường tiểu học, trạm y tế và khôi phục trạm bơm cùng 10 giếng khoan phục vụ người dân vùng kinh tế mới 425 ấp Tân Lập. Nhưng thực tế đến nay chỉ có bốn giếng lại không sử dụng được.
Trường xây xong, nhận thấy đây là vùng sâu vùng xa ít người sinh sống, việc tìm giáo viên về giảng dạy là điều nan giải nên chính quyền xã tạm đóng cửa. Sau nhiều năm bỏ trống, hiện nơi này được người dân địa phương tận dụng làm… trại hòm!
Trạm y tế cũng phải ngưng hoạt động do dân cư thưa thớt. Dẫu DA bỏ hoang do nhiều yếu tố khách quan nhưng đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa lý giải cụ thể về nguyên nhân khiến hàng trăm người không biết kêu ai, ngày đêm lo lắng.
Ông Trần Văn V. (73 tuổi) cho biết: “Không có trạm y tế, mỗi lần đau ốm, chúng tôi phải ra tận xã Tân Khai (cách 16km) để khám bệnh lấy thuốc. Khổ nỗi là không có trường nên phải đưa con em đi học rất xa, lớp mầm non cũng cách cả chục cây số. Học sinh phổ thông phải đi gần 30km lên trung tâm thị xã Bình Long mới có lớp”.
Trả lời về vấn đề này, bà Dương Thị Hạnh – Phó chủ tịch xã Tân Hiệp cho biết: “Trong DA xây dựng có trường học, nhưng Khu kinh tế mới Bến Tre diện tích nhỏ, dân cư thưa thớt nên nhà đầu tư không mặn mà và yêu cầu di dời ra nơi đông dân nên chỗ đó giờ bỏ trống. Trên địa bàn chưa ai được cấp sổ đỏ vì lúc đó thuê người về đo mà chưa làm được. Người dân đã đóng phí cấp sổ thì chúng tôi sẽ cố gắng hoàn tất thủ tục. Mạng lưới điện nước cũng sẽ được đôn đốc để phục vụ đời sống sinh hoạt cho bà con”.
An – Thịnh (Công an TP.HCM)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.