Áp lực lên những đô thị lớn
Trong những năm qua, hệ thống đô thị quốc gia đã có sự chuyển biến tích cực cả về lượng và chất. Chất lượng đô thị từng bước được cải thiện, diện mạo đô thị khang trang hơn. Đô thị đã khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở mỗi địa phương, mỗi vùng và cả nước. Đến tháng 12-2014, cả nước có 774 đô thị, trong đó có hai đô thị loại đặc biệt, 15 đô thị loại I, 21 đô thị loại II, 42 đô thị loại III, 68 đô thị loại IV và 626 đô thị loại V.Dân số thành thị (gồm các khu vực: nội thành, nội thị và thị trấn) đạt gần 31 triệu người với tỷ lệ đô thị hóa trung bình năm 2014 khoảng 34,5%. Tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, trong những năm gần đây tăng trung bình 1% – 1,02%/năm, tương ứng với 1- 1,2 triệu dân đô thị mỗi năm. Tổng thu ngân sách khu vực đô thị chiếm hơn 70% tổng thu ngân sách toàn quốc.
Thực trạng đô thị hóa thời gian qua, bên cạnh những điểm tích cực, vẫn còn nhiều bất cập. Chất lượng các đô thị chưa tương xứng với loại đô thị. Kết nối hạ tầng giữa các khu đô thị chưa được quan tâm đầy đủ, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội triển khai chậm, thiếu đồng bộ. Đầu tư phát triển đô thị còn theo phong trào, dàn trải gây lãng phí tài nguyên đất đai và nguồn lực xã hội. Công tác quản lý đô thị chưa theo kịp thực tiễn phát triển, thiếu các công cụ quản lý phát triển đô thị (thiếu quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị và quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc). Đồng thời, vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng còn thiếu, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực hiện nay còn hạn chế. Việc thiết kế đô thị chưa được quan tâm đúng mức, hình thức kiến trúc lộn xộn, thiếu sáng tạo và thiếu các yếu tố đặc thù, truyền thống của mỗi vùng miền. Bên cạnh đó, hệ thống đô thị Việt Nam, đặc biệt các đô thị ven biển đang phải đối mặt với thách thức mới, đó là sự gia tăng của thiên tai (lũ lụt, bão, nước biển dâng)…
Định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được cụ thể hóa bằng Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn 2009 -2020 theo Quyết định 758/QĐTTg, Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 – 2020 theo Quyết định 1659/QĐ-TTg và Đề án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu theo Quyết định 2623/QĐ-TTg, tuy nhiên nhiều đô thị phát triển chưa có kế hoạch, thiếu kiểm soát, làm thay đổi định hướng ban đầu. Tăng trưởng đô thị tập trung ở các đô thị lớn (loại đặc biệt và loại I), tạo ra khoảng cách rất lớn so với các đô thị nhỏ. Dân số đô thị của hai đô thị loại đặc biệt và 15 đô thị loại I là 15,4 triệu người, chiếm 51,4% dân số đô thị cả nước. Xu hướng phát triển này tiếp tục làm gia tăng dòng di cư cơ học từ nông thôn và từ các đô thị nhỏ vào các đô thị lớn, gây ra sự quá tải đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội, nhà ở (nhất là nhà ở xã hội), thay đổi về hình thái, chức năng của các vùng đô thị, hình thành nguy cơ phát triển không bền vững.
Triển khai các giải pháp đồng bộ
Để giải bài toán về chất lượng phát triển đô thị, cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành trung ương, địa phương để tiếp tục thực hiện các đột phá trong hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống hạ tầng và nâng cao năng lực quản lý đô thị. Trước mắt cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp chế về lĩnh vực quản lý phát triển đô thị, trong đó sớm ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Quản lý phát triển đô thị, xây dựng Chiến lược phát triển đô thị quốc gia. Đối với các văn bản pháp luật mới như Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, cần sớm có các văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành trong quản lý phát triển đô thị như Nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng, Thông tư 12/2014/TT-BXD về hướng dẫn lập thẩm định và phê duyệt Chương trình phát triển đô thị, đặc biệt là Nghị định 11/2013/NĐ-CP về Đầu tư phát triển đô thị, từng bước lập lại trật tự và nâng cao hiệu quả trong đầu tư phát triển đô thị, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch.
Một trong những việc cần tập trung hiện nay là tiếp tục rà soát, đánh giá các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, hạ tầng, nhà ở…, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cho phát triển đô thị với việc thực hiện các quy định quản lý theo quy hoạch, ưu tiên phát triển hệ thống hạ tầng khung và công trình đầu mối, gắn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng với quy hoạch sử dụng đất và cải thiện môi trường tại khu vực đô thị. Nghiên cứu mô hình quản lý phát triển đô thị theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Các địa phương tập trung xây dựng chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh và cho từng đô thị nhằm xác định lộ trình và kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng tỉnh và quy hoạch chung đô thị, xác định chương trình ưu tiên và nguồn lực thực hiện theo đúng quy hoạch và có kế hoạch.
Thực tế hiện nay, đội ngũ cán bộ quản lý đô thị còn thiếu và yếu. Do vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý phát triển đô thị cho các cấp chính quyền đô thị và đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn, quản lý đô thị cần được quan tâm hơn nữa. Đây là yếu tố có tính chất quyết định, từ đó có thể triển khai đồng bộ các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị làm cơ sở, công cụ quản lý phát triển đô thị một cách hiệu quả.
ĐỖ VIẾT CHIẾN
Cục trưởng Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng)