Tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu SouthernBank và Sacombank vẫn là một ẩn số
Từ trường hợp Sacombank- Southern Bank…
Cổ phiếu của một số ngân hàng chuẩn bị sáp nhập, hợp nhất (M&A) đang được nhà đầu tư nhắm đến với kỳ vọng tạo được sóng và đẩy hàng thành công. Đơn cử như trường hợp cổ phiếu Southern Bank, khi ngân hàng này đang trong quá trình chuẩn bị sáp nhập với Sacombank. Tuy nhiên, lời khuyên được đưa ra từ một chuyên gia lĩnh vực chứng khoán cho rằng, nhà đầu tư nếu dồn vốn vào cổ phiếu Southern Bank trong lúc này chưa hẳn đã thắng, ngược lại khó tránh khỏi thất bại.
Nguyên nhân là đến thời điểm này, đề án sáp nhập cụ thể giữa hai ngân hàng vẫn chưa được công bố và lộ trình sáp nhập chỉ được phía Sacombank cho biết ‘cố gắng hoàn tất trong năm nay’. Đáng chú ý, tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu Southern Bank sang Sacombank cũng chưa thể xác định, nhưng không thể có mức 1:1.
Southern Bank và Sacombank là hai ngân hàng tương đồng về chủ sở hữu và bóng dáng cổ đông lớn phía sau là gia đình ông Trầm Bê. Giả sử, nếu ông chủ của cả hai ngân hàng đưa ra quyết định tỷ lệ chuyển đổi là 3 cổ phiếu Southern Bank thành 1 cổ phiếu Sacombank thì người mua 3 cổ phiếu Southern Bank phải bỏ ra gần 30.000 đồng để nắm giữ 1 cổ phiếu Sacombank, trong khi giá cổ phiếu Sacombank hiện chỉ xoay quanh mức 17.500 đồng/CP. Còn giá cổ phiếu Southern Bank giao dịch trên sàn OTC cũng chưa thể chạm mức mệnh giá 10.000 đồng/CP và thanh khoản rất thấp. Đáng chú ý là nhà băng này không trả cổ tức cho cổ đông trong 3 năm liền gần đây.
Còn với cổ phiếu Sacombank, từng được coi là một chỉ báo trên TTCK giờ đã mất dần vị thế. Thương vụ sáp nhập giữa Sacombank và SouthernBank từng được giới đầu tư kỳ vọng sớm hoàn tất. Tuy nhiên, điều đó đã không diễn ra sau 1 năm vẫn chưa được Ngân hàng Nhà nước thông qua. Đáng cân nhắc hơn, như nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, sẽ mất ít nhất 2-3 năm, Sacombank sau sáp nhập mới ổn định và tăng trưởng trở lại, do phải gánh nợ xấu của Southern Bank.
… đến các trường hợp khác
Thực tế, không chỉ với thương vụ sáp nhập nói trên, mà những ngân hàng đã hoàn tất M&A trước đó cho thấy cũng gặp phải không ít khó khăn, ngay cả khi tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu 1:1. Đơn cử như thương vụ sáp nhập DaiA Bank vào HDBank. 1 cổ phiếu của DaiA Bank được chuyển đổi thành 1 cổ phiếu HDBank. HDBank đang từng bước xử lý khó khăn của DaiA Bank sau sáp nhập, bán các khoản nợ xấu DaiA Bank cho VAMC.
Tương tự, với SHB sau khi tiếp quản Hububank cũng phải gánh khoản nợ xấu đến 1.800 tỷ đồng và đang từng bước xử lý. Sau sáp nhập Habubank, SHB được mở rộng quy mô tài sản, mạng lưới, nhân sự, nhưng cũng phải cáng đáng khoản lỗ khủng tới 1.105 tỷ đồng vào cuối năm 2012. Vì thế, dù tỷ lệ chuyển đổi một cổ phiếu cũ Habubank được chuyển đổi thành 0,75 cổ phiếu SHB mới và 1 cổ phiếu SHB cũ được nhận thêm 0,21 cổ phiếu SHB mới được xem là có lợi cho cổ đông của cả hai bên, song thực tế, thời gian qua, cổ phiếu SHB không thể tăng.
Thông tin MeKongBank sáp nhập vào Maritime Bank, PGBank muốn sáp nhập vào VietinBank hay SaigonBank sẽ sáp nhập vào Vietcombank, GBank bán cho nước ngoài đã được lan truyền thời gian qua, song giá cổ phiếu của các nhà băng này trên thị trường chưa niêm yết vẫn lặng sóng. Vì những đơn vị bị sáp nhập chủ yếu là ngân hàng nhỏ yếu kém. Giá cổ phiếu nhà băng lớn cũng khó tăng, do lợi nhuận giảm khi áp dụng Thông tư 36.
Việc chạy đua theo cổ phiếu của những ngân hàng sắp sáp nhập chưa hẳn đã thành công, vì phải mất 3-5 năm, ngân hàng sau sáp nhập mới hồi phục và phát triển ổn định. Nguyên Thống đốc NHNN, TS. Cao Sỹ Kiêm cho rằng, để đòi hỏi những ngân hàng sau sáp nhập ổn định, phát triển trong 1-2 năm sau là rất khó, bởi sẽ có không ít khó khăn cần phải được xử lý.
Làn sóng M&A trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng được đánh giá sẽ còn khá sôi động trong thời gian tới, khi NHNN đẩy mạnh tiến hành tái cơ cấu khi đề án này đi vào giai đoạn cuối. Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia tài chính, TS. Lê Xuân Nghĩa, để có thể ổn định và phát triển đối với các ngân hàng M&A, đòi hỏi phải có thời gian để xử lý nợ xấu. Nhưng nếu sau 5 năm, các khoản nợ xấu không được xử lý triệt để sẽ tạo ra gánh nặng mới cho ngân hàng.
Có thể nói, chưa bao giờ ngành ngân hàng lại quyết liệt trong vấn đề tái cơ cấu như 3 năm vừa qua và thời gian tới. Các ngân hàng yếu kém đều đã và đang tích cực triển khai các giải pháp cơ cấu lại toàn diện về tài chính, hoạt động, quản trị, khắc phục các sai phạm dưới sự giám sát chặt chẽ của NHNN. Thông qua biện pháp sáp nhập để tiết giảm chi phí hoạt động nhằm giải quyết những vấn đề tồn tại, NHNN cũng đang nỗ lực thực hiện các bước cải cách tiếp theo trong quá trình tái cơ cấu để lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng và đặc biệt là tăng cường tính minh bạch và giám sát, xử lý nợ xấu, vấn đề sở hữu chéo, góp phần kiểm soát hiệu quả hoạt động của các TCTD. Kiên quyết áp dụng Thông tư 09 và Thông tư 36, buộc các TCTD phải phân loại nợ một cách chính xác, đồng thời xây dựng hệ thống quản trị mới theo hướng phù hợp dần với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế, siết chặt sở hữu chéo…
Thùy Vinh (Đầu tư Chứng khoán)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.