50.000 tỷ “cứu” BĐS: Bơm tiền nhà giàu hay ngân hàng tự cứu mình?

Thông tin Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, tới đây Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Chính phủ tiếp tục đưa ra gói 50.000 tỷ đồng cho phân khúc nhà ở thương mại với lãi suất cho vay 7% trong 10 năm, đang gây xôn xao. Nhất là khi gói này sẽ đi vào thị trường bất động sản (BĐS) ở phân khúc trung cấp và cao cấp.

Song, chia sẻ với Infonet, nhiều ý kiến tỏ ra đối lập nhau xung quanh gói 50.000 tỷ này nếu được triển khai.

Nghe đến việc sẽ hỗ trợ cho vay ưu đãi với phân khúc nhà cao cấp, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh tỏ ra không tán thành.

“Phân khúc cao cấp có những căn biệt thự giá tới 10 – 20 tỷ đồng, thậm chí còn nhiều hơn thì liệu gói 50.000 tỷ cho đối tượng người giàu vay mua nhà có hợp lòng dân hay không, có mang tính xã hội hay không?”, ông Đực đặt câu hỏi.

Gói 50.000 tỷ nếu được thực hiện sẽ góp phần giảm hàng tồn kho đối với phân khúc trung và cao cấp.

Theo ông Đực, gói này chỉ nên cho vay đối với những căn hộ từ 1 đến dưới 2 tỷ đồng, tức là chỉ nên cho đối tượng trung cấp được vay, không nên cho vay đối với những căn hộ có giá trị trên 2 tỷ vì đó là đối tượng giàu có rồi. Không nên giúp người giàu có cơ hội giàu thêm, lại càng không nên giúp những doanh nghiệp làm nhà cao cấp bán được hàng trong khi đáng lẽ họ phải thay đổi sản phẩm, điều chỉnh diện tích cũng như giá bán để phù hợp với đại đa số người dân.

“Gói 30.000 tỷ chưa hết, lại tiếp tục “đẻ” gói 50.000 tỷ, rồi còn những gói nào tiếp theo nữa?… trong khi xã hội còn nhiều ngành nghề khác cần đến sự hỗ trợ của ngân hàng, tại sao không giúp mà lại chỉ giúp cho ngành BĐS, ưu ái cho người giàu?”, ông Đực tiếp tục đặt câu hỏi.

Theo vị lãnh đạo này, nếu gói 50.000 tỷ chỉ hỗ trợ cho những dự án mà giá căn hộ chỉ từ 1,9 tỷ đồng trở xuống thì sẽ tiếp nối được gói 30.000 tỷ, hỗ trợ phân khúc trung bình thì có tác động lớn đến thị trường BĐS. Do vậy, cần khống chế số tiền căn hộ để cho vay gói này, chứ không thể cho những căn hộ có giá vài chục tỷ vay được.

Thậm chí, ông Đực còn cho rằng, người dân được quyền nghi ngờ rằng những doanh nghiệp có dự án cao cấp, không bán được hàng nên có lẽ đã “vận động” để có gói 50.000 tỷ này.

Chia sẻ quan điểm của mình, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, cái xã hội đang cần là các dự án nhà ở giá phổ cập, nhà ở thương mại giá rẻ từ 15 triệu đồng/m2 trở xuống dành cho những người thu nhập thấp.

Bởi thế, nếu gói 50.000 tỷ tiếp tục dành cho phân khúc nhà thương mại giá rẻ, nếu các doanh nghiệp phát triển loại hình nhà ở này được hỗ trợ về đất đai, về vốn thì thị trường sẽ phát triển nhanh chóng.

Mặt khác, ông Liêm cũng chỉ ra rằng: Gói này hướng vào khắc phục tồn kho của phân khúc thị trường trung và cao cấp, giải quyết được tồn kho này có nghĩa sẽ giải quyết được nợ xấu của ngân hàng. Đây thực ra là gói tín dụng để ngân hàng tự “cứu” ngân hàng.

“Dù vậy, việc đó cũng có ích cho xã hội nhưng nếu tiếp tục cho vay với phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, loại nhà mà số đông đối tượng trong xã hội đang cần thì sẽ tốt hơn là cho người giàu, cho phân khúc cao cấp. Gói 50.000 tỷ chưa thấm vào đâu so với thị trường bất động sản nhưng đó cũng sẽ là cú hích cho thị trường”, ông Liêm cho hay.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ cũng cho rằng, nếu được thực hiện, gói 50.000 tỷ sẽ kích cầu cho phân khúc nhà ở giá trung bình và giá cao.

Song, theo ông Võ, vấn đề là ngân hàng thương mại hưởng ứng gói 50.000 tỷ này đến đâu, liệu họ có đồng ý với mức lãi suất 7% trong vòng 10 năm hay không? Tôi tin ngân hàng thương mại họ khó có thể chấp nhận điều kiện nhiều rủi ro như vậy vì lãi suất trên thị trường về nguyên tắc sẽ giảm nữa nhưng chưa chắc.

Nguyễn Lê (Infonet)

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Để lại một bình luận

0913.756.339