Dịch vụ Uber hay còn được gọi là “taxi kiểu mới” chỉ xuất hiện ở Việt Nam vài tháng gần đây nhưng đã gây ra khá nhiều tranh cãi. Khi dư luận về mô hình này còn chưa lắng xuống, thì đầu tháng 11, tại TP HCM lại xuất hiện một dịch vụ xe ôm mới (GrabBike). Đây là dịch vụ kết nối người có nhu cầu di chuyển với chủ xe máy thông qua điện thoại thông minh (Smartphone).
Cơ chế hoạt động của GrabBike giống như Uber, Easy Taxi mà nhiều khách hàng đã quen thuộc. Người có nhu cầu sẽ tải ứng dụng về điện thoại là có thể kết nối với tài xế xe ôm. Ngược lại, những bác tài “hai bánh” muốn tham gia dịch vụ này chỉ cần cung cấp đầy đủ các thông tin cá nhân gồm chứng minh nhân dân, hộ khẩu, bằng lái… cho đơn vị điều hành. Tất nhiên, họ cũng phải sở hữu một điện thoại thông minh có cài đặt GrabBike.
Cước phí được tính toán ở mức 15.000 đồng 1,5 km đầu, sau đó hạ xuống 7.000 đồng một km. Ảnh: TH. |
Đại diện Grab Taxi Việt Nam cho biết, đây là dịch vụ “đi nhờ” xe khá giống taxi kiểu mới, giúp cho nhiều cá nhân thường ngày không làm xe ôm cũng có thể kiếm thêm thu nhập. Mặt khác, góp phần giảm tải tắc đường khi mà phương tiện này đang chiếm số lượng lớn.
“Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông, Việt Nam sắp đạt ngưỡng 40 triệu xe máy nhưng phần lớn chỉ đi một người khiến tình trạng ô nhiễm, mất an toàn và ùn tắc tăng cao. Do đó, việc ra đời kết nối những xe máy rảnh rỗi với người có nhu cầu ‘đi nhờ’ sẽ giảm thiểu đáng kể tình trạng này”, đại diện Grab Taxi nói.
Bên cạnh giải quyết việc tắc đường, theo đại diện này, ứng dụng trên còn giúp khách hàng tiết kiệm được chi phí đi lại, tránh tình trạng lừa gạt tranh giành khách. Khi sử dụng dịch vụ, người dùng chỉ cần chọn quãng đường cần di chuyển và phương tiện, ứng dụng sẽ tự động tìm kiếm những tài xế ở gần đó và thông báo cước phí. Thông tin số tiền, hình ảnh tài xế, biển số xe sẽ được hiển thị ngay trên điện thoại. Khách có thể chia sẻ hành trình cho người thân để gia đình yên tâm. Cước phí được tính toán ở mức 15.000 đồng 1,5 km đầu, sau đó hạ xuống 7.000 đồng một km. Phía công ty cung cấp ứng dụng hưởng 20% trên cước phí mỗi chuyến xe ôm kết nối thành công.
Anh Quế, một tài xế xe ôm ở quận 10 cho biết, trong một lần tình cờ đi chở khách ở đường Sư Vạn Hạnh thì được giới thiệu ứng dụng. Để cải thiện lượng khách, anh đã đăng ký tham gia.
“Chỉ mới áp dụng được 3 tuần nhưng số lượng khách của tôi tăng gấp đôi so với những ngày trước đó. Nếu trước đây mỗi ngày tôi chỉ kiếm được 150.000 đồng thì nay thu được 300.000 đồng. Không cần phải sử dụng điện thoại quá xịn, chỉ cần có chức năng kết nối và có thể xài ứng dụng là dùng được”, anh Quế nói.
Tương tự, anh Tiên (quận 3) cho hay, hơn một tháng nay số lượng khách hàng của anh cũng tăng mạnh, thu nhập tăng 60% so với trước đó. Một ngày anh có thể kiếm được 400.000 đồng, thậm chí hơn.
“Trước đây cứ 5h sáng là phải chạy đôn chạy đáo tìm khách, thì nay khách có nhu cầu, Công ty sẽ thông báo ngay trên điện thoại, vừa tiết kiệm thời gian mà công việc lại hiệu quả”, anh Tiên chia sẻ.
Hiện nay ngoài các tài xế xe ôm sử dụng dịch vụ này còn có thêm sinh viên, nhân viên văn phòng cũng hưởng ứng. Tuy nhiên, đây lại là một trong những điểm yếu của dịch vụ. Bởi lẽ, khâu tuyển chọn nhân sự, kiểm soát chất lượng dịch vụ cho đến việc bảo vệ quyền lợi cho tài xế và khách chưa được thiết lập rõ ràng.
Chuyên gia thương hiệu Phạm Khắc Tân nhận định, đây là một ý tưởng tốt, tuy nhiên sẽ khó phát triển mạnh với hiện trạng xe ôm ở Việt Nam.
“Xe ôm ở Việt Nam hoạt động manh mún, tự phát và là mô hình kém hiện đại. Người lái xe không phải ai cũng có điều kiện trang bị điện thoại thông minh. Mặt khác, người đi xe ôm chủ yếu là khách hàng bình dân, ít sử dụng loại điện thoại này, hoặc nếu có thì cũng không biết cài đặt và sử dụng ứng dụng nhiều”, ông Tân giải thích.
Ông cũng cho biết thêm, muốn phát triển mạnh, điều quan trọng nhất đối với ứng dụng này phải hiểu rõ thị trường, đối tượng khách hàng. Trước đó, tại Hà Nội cũng đã có mô hình kết nối tài xế xe ôm với khách hàng. Tuy nhiên, hoạt động này tới nay cũng chưa có gì nổi trội.
Thi Hà