Vinalines chính thức thua vụ kiện 3 triệu USD

Sau 7 tháng thụ lý đơn xin hủy phán quyết từ phía Tổng công ty Hàng hải (Vinalines), Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội vừa đưa ra quyết định không chấp thuận yêu cầu này, đồng thời không cho phép các bên tiếp tục khiếu nại, kháng cáo.

Như vậy, Vinalines buộc phải thi hành phán quyết trước đó của Hội đồng trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) trong vụ tranh chấp với nhà thầu Hàn Quốc. Hồi đầu năm 2014, chính VIAC đã ra phán quyết buộc Vinalines phải trả hơn 65 tỷ đồng (tương đương 3 triệu USD) cho công ty SK Engineering & Construction (SKE&C) – nhà thầu thi công gói thầu bến cảng thuộc dự án đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (giai đoạn khởi động).

Theo trọng tài, số tiền trên là khoản chủ đầu tư – Vinalines phải thanh toán cho lô cọc thép 544 đoạn SPP mà SK E&C mang đến công trường, trước khi dự án bị dừng theo yêu cầu của Chính phủ vào tháng 9/2010.

Tuy nhiên, trong đơn yều hủy phán quyết gửi tòa án, Tổng công ty Hàng hải lập luận phán quyết này trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Trước tiên, theo Luật Xây dựng, chủ đầu tư cho biết hồ sơ thanh toán không hợp lệ, tư vấn nghiệm thu không đúng, khối lượng thi công không đảm bảo chất lượng.

Theo Vinalines, việc Hội đồng trọng tài đã không thu thập chứng cớ mà hoàn toàn dựa trên các phán quyết chủ quan “nghi ngờ” là trái nguyên tắc về sự vô tư khách quan. Vậy nhưng, Hội đồng xét đơn của Tòa đã phản bác lập luận này với lý lo “Vinalines không đưa ra được chứng cứ để chứng minh”.

vnalines1-4591-1405650694-2501-141317761

Tàu Vinalines Sky từng bị phía Hàn Quốc bắt giữ theo yêu cầu của SKE&C sau khi có phán quyết của VIAC. Ảnh: Vinalines

Về nội dung Vinalines cho rằng phán quyết của VIAC dựa trên hồ sơ có một chứng chỉ thanh toán tạm mà chủ đầu tư khẳng định là giải mạo vì họ chưa hề phê duyệt, Tòa án nhận định: “Việc Vinalines chưa phê duyệt không có nghĩa đây là chứng cứ bị giả mạo. Ngoài ra, cơ quan này cũng dẫn chứng văn bản nói trên đã được nhắc tới trong một biên bản họp giữa các bên, trong đó có chủ đầu tư”.

Một số nội dung kiến nghị khác của Vinalines như Hội đồng trọng tài không triệu tập người có quyền và nghĩa vụ liên quan (là một doanh nghiệp Việt Nam cùng tham gia trong liên danh nhà thầu với SK E&C) hay trọng tài tuyên án hai lần cũng bị Tòa bác bỏ. 

Theo cơ quan xét đơn, việc triệu tập là “quyền” chứ không phải “nghĩa vụ” của Hội đồng trọng tài, chiếu theo Luật Trọng tài thương mại. Hơn nữa, trong quá trình Tòa Hà Nội giải quyết vụ việc, Vinalines đã không xuất trình được bất kỳ tài liệu nào chứng minh họ có yêu cầu triệu tập người làm chứng. Trong khi đó, việc VIAC tuyên lần hai chỉ là để sửa chữa số liệu do nhầm lẫn, và điều này, cũng được luật cho phép.

Từ những phân tích trên, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội khẳng định không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu hủy phán quyết của VIAC mà Tổng công ty Hàng hải đề nghị.

Lãnh đạo Vinalines từ chối đưa ra bình luận về quyết định nói trên của cơ quan công lý cũng như phản ứng tiếp theo trong vụ tranh chấp này với nhà thầu Hàn Quốc.

Theo một chuyên gia về tố tụng trọng tài, nếu Vinalines không chịu thực thi phán quyết (nộp 65 tỷ đồng) thì phía Hàn Quốc có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế để buộc doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện.

Thực tế, ngay sau khi có phán quyết của VIAC đầu năm 2014, phía SK E&C đã yêu cầu các cơ quan Hàn Quốc bắt giữ hai tàu của Vinalines để gâp sức ép buộc doanh nghiệp Việt Nam thi hành phán quyết. Đại diện Vinalines lúc ấy cho rằng việc bắt giữ tàu là “vượt quá giới hạn”, thế nhưng ngay sau đó doanh nghiệp này cũng phải bỏ ra số tiền trên 3 triệu USD mở tài khoản phong tỏa nhằm giải phóng tàu.

Một nguồn tin cho biết, để tránh những tổn thất tương tự, Vinalines trong quá trình yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài cũng đã có văn bản đề nghị nhà chức trách Hàn Quốc không cho thi hành phán quyết.

Theo công ước New York 1958 về thi hành các quyết định trọng tài nước ngoài mà Hàn Quốc và Việt Nam đều là thành viên thì việc thi hành có thể bị từ chối, đình chỉ trong trường hợp bên yêu cầu (ở đây là Vinalines) có bằng chứng cho thấy phán quyết bị đình lại, tạm hoãn bởi tòa án của nước ra phán quyết.

Điều này được hiểu là, trong thời gian Tòa án thụ lý đơn yêu cầu hủy phán quyết của Vinalines thì doanh nghiệp được yêu cầu tạm ngưng thi hành. Tuy nhiên, với việc Tòa chính thức ra quyết đinh bác bỏ yêu cầu nêu trên thì đương nhiên yêu cầu ngừng thi hành phán quyết cũng hết hiệu lực, khi đó, rủi ro đến với đội tàu của Vinalines cũng rất lớn. 

Chí Hiếu

Để lại một bình luận

0913.756.339