Vietinbank được đổi nợ của Vinalines lấy cổ phần

Ngân hàng Nhà nước vừa đồng ý chủ trương để Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) tham gia làm cổ đông chiến lược khi cổ phần hóa các cảng thành viên thuộc Tổng công ty Hàng hải (Vinalines). Theo chủ trương này, Vietinbank được chuyển số nợ vay của Vinalines và các đơn vị thành viên thành vốn cổ phần tại các cảng thành viên khi tiến hành cổ phần hóa. Trước hết, chủ trương này áp dụng với Công ty Cảng Hải Phòng và Công ty Cảng Đà Nẵng. Nếu quá trình này diễn ra suôn sẻ, Vietinbank sẽ là cổ đông chiến lược của Cảng Hải Phòng và Đà Nẵng trong lần bán tiếp cổ phần vào đầu năm tới.

Trong một văn bản do Tổng giám đốc Vietinbank gửi Vinalines đầu năm nay, phần Vinalines còn vay nợ Vietinbank là trên 5.000 tỷ đồng, nằm trong top các khách hàng có dư nợ lớn nhất tại ngân hàng. 

Ngân hàng Nhà nước cho rằng cách hoán đổi nợ như trên không chỉ là biện pháp xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng mà còn giúp cho Vinalines và các công ty thành viên giảm bớt khó khăn. Tuy nhiên, cơ quan này cũng lo ngại về việc chưa có quy định của pháp luật với hình thức chuyển nợ thành vốn góp cổ phần. “Hơn nữa, đơn vị nhận góp vốn là Cảng Hải Phòng, Đà Nẵng lại không phải là khách hàng vay của Vietinbank”, cơ quan này băn khoăn.

CHP-2-9243-1417963708.jpg

Vietinbank sẽ là cổ đông chiến lược của Cảng Hải Phòng

Do vậy, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành quy định chuyển nợ thành vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp theo đề án xử lý nợ xấu đã được Thủ tướng phê duyệt giữa năm ngoái.

Để có được sự đồng ý về nguyên tắc của Ngân hàng Nhà nước cuối tuần rồi thì suốt một năm qua, Vinalines và Vietinbank đã phải ngồi lại với nhau rất nhiều lần để đi đến thống nhất cách làm như trên.

Trong một cuộc trao đổi với VnExpress sau khi được bổ nhiệm Tổng giám đốc Vinalines hồi đầu năm, ông Lê Anh Sơn từng cho biết Vietinbank là chủ nợ lớn đầu tiên bày tỏ ý muốn trở thành cổ đông chiến lược khi các doanh nghiệp cảng biển của Vinalines tiến hành cổ phần hóa.

Khi Cảng Hải Phòng lần đầu bán cổ phần ra công chúng vào tháng 4 năm nay, Vietinbank đã có văn bản đề nghị Vinalines báo cáo Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt cho ngân hàng trở thành cổ đông chiến lược nắm giữ tỷ lệ sở hữu cổ phần cao nhất tại đơn vị này.

Vietinbank thời điểm ấy còn đề xuất rằng họ không phải chịu ràng buộc đối tượng áp dụng các điều kiện và điều khoản liên quan đến hoạt động đầu tư để trở thành cổ động chiến lược như việc nộp tiền đặt cọc khi đăng ký mua cổ phần, chuyển tiền mua cổ phần sau khi thực hiện IPO…

Tuy nhiên, trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ cuối tuần trước về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước nhận định các yêu cầu của Vietinbank là “chưa phù hợp các quy định hiện hành”.

Ngân hàng kiến nghị các Bộ Tài chính, Kế hoạch đầu tư và Bộ Giao thông vận tải có ý kiến chính thức để quá trình chuyển nợ thành vốn góp giữa Vietinbank và Vinalines diễn ra khả thi, đúng pháp luật.

Bình luận câu chuyện đổi nợ thành cổ phần nói trên, một chuyên gia kinh tế cho rằng “rất khả thi và cả hai cùng có lợi”. Ông nói: “Trong tình cảnh Vinalines ngập trong nợ nần, nếu không đổi nợ thành cổ phần thì doanh nghiệp cũng không thể xoay xở được dòng tiền để trả. Khi đó, ngân hàng cũng không thu được gì. Trong khi đó, biện pháp này sẽ giúp ngân hàng xóa một khoản nợ xấu đáng kể”.

Bên cạnh đó, Vinalines cũng lợi lớn khi một mũi tên trúng hai đích, vừa giảm được nợ lại tìm được nhà đầu tư chiến lược trong bối cảnh hàng loạt cảng lớn của họ thất bại nặng nề trong đợt IPO mùa hè vừa qua khi cảng Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh chỉ bán chưa được 5% cổ phần. Hiện Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối tại hầu hết các cảng này với mức gần 95% trở lên.

Một lãnh đạo Vinalines thừa nhận, đây sẽ là thuận lợi không nhỏ cho các cảng thành viên trong lần thứ hai bán cổ phần vào đầu năm 2015, nhằm giảm mức chi phối của Nhà nước xuống còn 51%.  Dù vậy, vị này cũng tự tin rằng, các chủ nợ đồng ý không chỉ vì “họ không thu được nợ” mà một phần cũng xuất phát từ việc chủ nợ thấy được lợi thế của các cảng biển lớn, đã được đầu tư đồng bộ mà Tổng công ty đang nắm giữ, nhất là trong xu thế kinh tế thế giới đang dần phục hồi.

Theo số liệu Chính phủ báo cáo Quốc hội, tính đến cuối năm 2013, Vinalines đang nợ các ngân hàng gần 48.000 tỷ đồng, đứng thứ tư sau các tập đoàn Dầu khí, Điện lực và Than khoáng sản. 

* Infographic về nợ nần của các tập đoàn, tổng công ty

Chí Hiếu

Để lại một bình luận

0913.756.339