Tham dự đại hội có ông Đoàn Thái Sơn – Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; ông Bùi Tiến Nghị – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Ngân hàng Nhà nước; Thiếu tướng Nguyễn Hồng Lĩnh – Cục trưởng Cục An ninh Tài chính tiền tệ đầu tư – Bộ Công An; ông Nguyễn Quang Tiến – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo, Đảng uỷ Khối doanh nghiệp Trung ương cùng các ông bà đại diện một số vụ, cơ quan trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, các phòng thuộc Cục An ninh tài chính tiền tệ đầu tư, các Ban thuộc Đảng uỷ khối doanh nghiệp TW, một số cơ quan quản lý Nhà nước, đối tác, cơ quan thông tấn báo chí. Về phía Vietcombank, có ông Nghiêm Xuân Thành – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch hội đồng quản trị; ông Phạm Quang Dũng – Ủy viên hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc; các ông bà là thành viên Hội đồng quản trị, Ban điều hành, Ban Kiểm soát Vietcombank cùng 249 cổ đông đại diện cho hơn 2,5 tỷ cổ phần, chiếm 95,06% số cố phần có quyền biểu quyết của ngân hàng.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank Nghiêm Xuân Thành phát biểu khai mạc đại hội. |
Tại đại hội, một số nội dung quan trọng đã được biểu quyết thông qua với sự nhất trí cao. Cụ thể, để tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực quản trị và điều hành, tại Đại hội, Vietcombank đã có tờ trình về việc thôi đảm nhiệm chức vụ thành viên Hội đồng quản trị đối với bà Nguyễn Thị Kim Oanh để dự kiến giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc; tờ trình về việc thôi đảm nhiệm chức vụ thành viên Ban kiểm soát đối với ông Lại Hữu Phước để cử giữ chức vụ Trưởng phòng Kiểm tra, giám sát, tuân thủ; các tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung điều lệ tổ chức và hoạt động của Vietcombank; sửa đổi, bổ sung quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng quản trị. Đồng thời, đại hội cũng tiến hành bầu bổ sung ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Vietcombank chi nhánh Hà Nội vào Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2013 – 2018.
Các cổ đông bỏ phiếu thông qua các nội dung của đại hội. |
Đại hội cũng đã trình cổ đông về việc chủ trương sáp nhập một tổ chức tín dụng vào Vietcombank; giao Hội đồng quản trị tìm kiếm đối tác phù hợp, thực hiện việc nghiên cứu khả thi, lập đề án sáp nhập trình Đại hội đồng cổ đông, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng khác theo quy định liên quan của pháp luật. Việc thực hiện sáp nhập ngân hàng là cơ hội tốt giúp Vietcombank tăng quy mô năng lực cạnh tranh và góp phần thực hiện chủ trương tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam; phù hợp với định hướng – mục tiêu chiến lược của Vietcombank là trở thành ngân hàng số một của Việt Nam.
Lộ trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đến năm 2017, Ngân hàng Nhà nước định hướng giảm bớt số lượng ngân hàng xuống còn khoảng 20 ngân hàng và hình thành một số ngân hàng thương mại có quy mô lớn với khả năng cạnh tranh mạnh, đặc biệt tăng cường được quy mô và vị trí chi phối của các ngân hàng thương mại nhà nước trong hệ thống.
Đoàn chủ tịch đại hội. |
Phát biểu tại đại hội, Chủ tịch hội đồng quản trị Nghiêm Xuân Thành cho biết: “Vietcombank đặt mục tiêu chiến lược trở thành ngân hàng hàng đầu tại thị trường trong nước cả về quy mô và chất lượng, đồng thời góp phần nâng cao hình ảnh, tầm vóc và tính cạnh tranh của ngân hàng Việt Nam so với các ngân hàng trong khu vực. Kết quả kinh doanh hiệu quả, an toàn và bền vững của Vietcombank trong thời gian qua đã góp phần khẳng định năng lực quản trị điều hành và chất lượng của hệ thống trong nước và quốc tế”.
Sau thời gian làm việc minh bạch, dân chủ và khẩn trương, Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2014 của Vietcombank đã thành công tốt đẹp. Thành công của đại hội là cơ sở và nền tảng để Vietcombank tiếp tục đà phát triển lớn mạnh hơn nữa để mang lại lợi ích tối đa cho cổ đông.
(Nguồn: Vietcombank)