Theo thông báo vừa được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đưa ra trên website, Việt Nam đã nộp đơn kháng cáo phán quyết của tổ chức này hồi tháng 11 về việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá với tôm nước ấm đông lạnh xuất khẩu của Việt Nam (vụ kiện DS429). Thông tin chi tiết sẽ được WTO công bố trong vài ngày tới.
Vụ việc bắt đầu từ tháng 2/2012, căn cứ vào Hiệp định Thuế quan và thương mại (GATT 1994) trước đây và các điều khoản về chống bán phá giá của WTO hiện nay,Việt Nam nhận thấy việc Mỹ áp dụng biện pháp chống bán phá giá nhằm vào tôm đông lạnh của Việt Nam là không phù hợp. Vì vậy, Việt Nam đã khiếu nại tới WTO.
Sau 2 năm nghiên cứu, tháng 11/2014, ban hội thẩm của WTO kết luận, một số biện pháp của Mỹ không những vi phạm GATT 1994 mà còn trái với quy định của WTO về chống bán phá giá. Theo đó, trong số 11 nội dung khiếu nại của Việt Nam, Ban hội thẩm của WTO đã đưa ra phán quyết với 7 nội dung theo hướng có lợi cho Việt Nam, nhất là về thủ tục điều tra và tính toán biên độ phá giá.
Đặc biệt, theo ban hội thẩm, sử dụng phương pháp quy về 0 (phương pháp zeroing) trong vụ tôm xuất khẩu của Việt Nam là không phù hợp với quy định của WTO. Do đó, Mỹ không được tiếp tục áp dụng phương pháp này.
Sau quyết định này, ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục kháng cáo tới Ban phúc thẩm của WTO để có phán quyết đầy đủ hơn.
Tháng 10 năm ngoái, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố quyết định cuối cùng về mức thuế chống bán phá giá tôm nước ấm của Việt Nam cho đợt xem xét hành chính lần thứ 8 (POR 8) từ 1/2/2012 đến 31/1/2013. Theo đó, 30/32 doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong thời gian trên chịu thuế chống bán phá giá là 6,37%. 2 doanh nghiệp còn lại là Tập đoàn Thủy sản Minh Phú chịu mức thuế 4,98% và Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng 9,75%. Mức thuế chung cho các doanh nghiệp khác là 25,76%. |
Hà Thu