Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính xác nhận việc chào bán thành công nêu trên. Trước đó, Chính phủ và Bộ Tài chính đều kỳ vọng vào một đợt phát hành thuận lợi, sau những nhận định tích cực của các tổ chức quốc tế về trái phiếu của Việt Nam.
Đợt phát hành này đánh dấu sự trở lại của trái phiếu Chính phủ Việt Nam trên thị trường quốc tế sau 5 năm. Với số tiền thu được, PR Newswire cho biết Việt Nam sẽ mua lại trái phiếu mệnh giá 1.000 USD đáo hạn năm 2016 với giá 1.070 USD và trái phiếu 1.000 USD đáo hạn năm 2020 với giá 1.140 USD. Số trái phiếu này đã tăng giá trên thị trường tài chính quốc tế ngày hôm qua (6/11).
Theo các chuyên gia quốc tế, Việt Nam đang tìm cách giảm chi phí đi vay USD và tận dụng việc xếp hạng tín nhiệm được cải thiện, trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) được dự đoán sắp nâng lãi suất. Tuần này, Fitch Ratings đã nâng một bậc xếp hạng của Việt Nam lên BB-, nhờ kinh tế vĩ mô ổn định. Trước đó, hồi tháng 7, Moody’s cũng có động thái tương tự.
“Nhà đầu tư thích các đợt phát hành trái phiếu niêm yết bằng USD. Họ cũng quan tâm đến lãi suất nữa. Việt Nam đã vắng bóng khá lâu trên thị trường. Kinh tế vĩ mô thì đang ổn định. Tất cả đều là yếu tố có lợi cho đợt phát hành”, Rajeev De Mello tại hãng quản lý tài sản Schroder (Singapore) cho biết. Lãi suất trái phiếu đợt này của Việt Nam cao hơn trái phiếu Mỹ cùng kỳ hạn (2,41%).
Trước đó, Việt Nam đã tổ chức roadshow giới thiệu tới nhà đầu tư quốc tế về phiên bán trái phiếu này tại Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Anh và Mỹ. Đây là lần thứ 3 Việt Nam tiến hành gọi vốn trái phiếu từ thị trường tài chính quốc tế, sau khi huy động tổng cộng 1,75 tỷ USD vào các năm 2005 và 2010. Ba ngân hàng là Deutsche Bank, HSBC và Standard Chartered đã được chọn tổ chức đợt bán lần này.
Theo Finance Asia, đợt bán trái phiếu hôm qua đã có sự tham gia của 450 tài khoản và được đánh giá là một trong những đợt đấu giá thành công nhất thị trường nợ châu Á.
Hà Thu – Ngọc Tuyên