VAMC được thỏa thuận giá khởi điểm bán nợ xấu

Theo Thông tư 18 hướng dẫn việc bán đấu giá tài sản của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) vừa được Bộ Tư pháp ban hành, có hiệu lực từ 10/11, việc bán nợ xấu cũng như tài sản đảm bảo sẽ được tháo gỡ nhiều vướng mắc.

Cụ thể, việc xác định giá khởi điểm đối với tài sản bán đấu giá được Thông tư 18 quy định rõ để đảm bảo quyền lợi của các bên, trong khi Nghị định 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản và Nghị định 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC chưa đề cập đến vấn đề này.

Trong trường hợp mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá thị trường, VAMC được quyền thuê tổ chức bên ngoài thẩm định giá hoặc tự định giá để xác định giá khởi điểm. Mặt khác, nếu VAMC mua nợ xấu theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt thì được thỏa thuận với tổ chức tín dụng đó về giá khởi điểm.

no-xau-6386-1412589559.jpg

Bộ Tư Pháp vừa ban hành Thông tư tháo gỡ những vướng mắc trong đấu giá tài sản của VAMC.

Tuy nhiên, khi xác định giá khởi điểm của tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu, VAMC phải thỏa thuận với chủ sở hữu tài sản đó hoặc bên thế chấp quyền sử dụng đất. Trường hợp các bên không thỏa thuận được giá khởi điểm trong thời hạn 5 ngày làm việc, VAMC có quyền thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá hoặc tự xác định giá khởi điểm để bán đấu giá.

Nhằm đảm bảo tính khách quan, minh bạch, hiệu quả và tăng cường trách nhiệm của VAMC trong quá trình bán đấu giá, Thông tư 18 cũng quy định công ty phải thông báo công khai về việc thuê tổ chức bán đấu giá và chịu trách nhiệm lựa chọn tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp dựa trên các tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm, uy tín, phương án bán đấu giá, quy mô và cơ sở vật chất…

Ngoài ra, để quá trình bán tài sản diễn ra nhanh chóng, linh hoạt, Thông tư 18 chấp thuận kết quả bán đấu giá cả trong trường hợp chỉ có một người tham gia và trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm. Song, trường hợp này chỉ được tiến hành sau khi đã thực hiện đầy đủ việc niêm yết, thông báo công khai và không có khiếu nại về trình tự, thủ tục cho đến khi kết thúc cuộc bán đấu giá.

Trường hợp bán đấu giá không thành hoặc không có người đăng ký tham gia thì VAMC lựa chọn phương thức xử lý khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Theo báo cáo đến cuối tháng 8, VAMC đã mua được gần 59.000 tỷ đồng nợ xấu, với tổng giá trị trái phiếu đặc biệt phát hành đạt gần 43.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng – Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC trong buổi họp báo cách đây hơn một tháng cho biết quá trình phát mại tài sản thông qua đấu giá không thành công. “Công ty đã tiến hành phát mại tài sản nhiều lần nhưng có những tài sản đấu giá đến lần thứ 3 không thành công, còn ủy quyền cho tổ chức tín dụng đấu giá thì có đơn vị đấu giá tới lần thứ 5, thứ 7 vẫn không được”, vị này phát biểu.

Trong buổi trả lời chất vấn Thường vụ Quốc hội ngày 30/9, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận sau một năm hoạt động, việc mua bán nợ xấu vẫn còn nhiều vướng mắc. “Trong tay tôi hiện có báo cáo gồm 29 trang liệt kê tất cả những khó khăn chỉ riêng về mặt pháp lý đối với hoạt động của VAMC”, ông Bình cho biết.

Riêng về phát mại tài sản, người đứng đầu ngành ngân hàng nhận định đây là khó khăn rất lớn trong hoạt động của công ty quản lý tài sản. “Chúng ta mua lại nợ xấu nhưng chúng ta không phát mại được tài sản thì không bao giờ thu lại được tiền. Thống kê trong hệ thống ngân hàng, trung bình một tài sản các ngân hàng đã siết nợ thì phải mất từ 3-7 năm mới thu được tiền. Với tốc độ xử lý như vậy sẽ gây ách tắc rất lớn trong vấn đề xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cũng như của VAMC”, vị này nhấn mạnh.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước đang đề nghị các cơ quan có liên quan, đặc biệt là Bộ Tư pháp, Tòa án để xử lý. Trong tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có buổi làm việc riêng với Thống đốc và đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính về vấn đề nợ xấu.

Tại một hội thảo mới đây về hoạt động của VAMC, các đại biểu Quốc hội cũng nhất trí cần phải tập hợp những khó khăn, hạn chế của công cụ này để trong kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 tới sẽ đánh giá lại để có những giải pháp đẩy nhanh xử lý nợ xấu.

Ông Trương Văn Phước – Phó Chủ nhiệm Ủy ban giám sát tài chính cũng nhận định hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về mua bán nợ còn nhiều vấn đề cần phải bổ sung, chỉnh sửa để giúp xử lý nợ xấu. “Chúng ta có thể chỉnh sửa, bổ sung để các tài sản đảm bảo được định giá bởi một trung tâm uy tín và phát mãi nhanh chóng, thông qua một Nghị quyết của Chính phủ để làm quá trình xử lý nợ xấu nhanh hơn. Làm được điều này thì nợ xấu giảm đi, đồng thời các tổ chức tín dụng cũng củng cố được năng lực tài chính”, ông nói.

Phương Linh

Để lại một bình luận

0913.756.339