Uber có thể chịu thuế 5% doanh thu

Trao đổi với báo chí ngày 24/12, Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết sẽ tính thuế dịch vụ 5% trên tổng doanh thu đối với Công ty Uber International Holding B.V (Uber) nếu đơn vị này được cấp phép hoạt động.

Trước đó, ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng – Phó trưởng Ban thường trực Ban cải cách và Hiện đại hóa, Tổng cục Thuế cho biết, cơ quan này đề xuất 2 phương án tính thuế đối với Uber.

Phương án thứ nhất là sẽ tính thuế giá trị gia tăng trên doanh thu với Uber theo hình thức kinh doanh vận tải ở mức 3%. Thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu với ngành tương ứng là 2%. Phương án này dựa trên việc xem xét bản chất kinh tế cho thấy Uber đã trực tiếp tham gia điều hành hoạt động vận tải hành khách.

Phương án thứ 2 là sẽ xem xét Uber như trung gian cung cấp dịch vụ thanh toán và công nghệ thông tin, không cung cấp dịch vụ vận tải. Do đó, thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 5% tổng doanh thu.

Uber-8572-1419494841.jpg

HIện Uber tại Việt Nam đang có ba khoản thu nhập. Ảnh: Xuân Hoa

Hiện phía Uber tại Việt Nam đang có ba khoản thu nhập gồm: phí đăng ký mở tài khoản (5.000 đồng), phí hủy chuyến (5.000 đồng) và cước phí thanh toán thực tế từ khách hàng qua các thẻ thanh toán Visa Card, MasterCard, AMEX (5.000 đồng). Cùng với đó, phía Uber sẽ chuyển 80% cước cho doanh nghiệp vận tải và hưởng phí dịch vụ 20%. Tổng cục Thuế nhận định khoản thu nhập này phát sinh tại Việt Nam và đơn vị có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập. 

Ông Tiến cũng cho biết, cơ quan thuế đã làm việc với đại diện Uber để tìm hiểu hoạt động của đơn vị này và đưa ra 2 phương án đề xuất như trên. 

Đối với các công ty vận tải trực tiếp ký hợp đồng với Uber International BV sẽ phải nộp thuế với 80% thu nhập từ hoạt động của dịch vụ này thông qua các ngân hàng. Những doanh nghiệp này cũng phải chịu phí nhà thầu và nộp thay các loại thuế phát sinh tại Việt Nam thay cho Uber.

Tổng cục Thuế nhận định đây là một hình thức kinh doanh mới xuất hiện tại Việt Nam và dự kiến sẽ tiếp tục phát triển sang các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh khác như du lịch, khách sạn, hàng không… Do đó, để quản lý thuế, cơ quan này đề xuất Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin Truyền thông hỗ trợ xác minh các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, các dịch vụ thanh toán trung gian, danh sách các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải có đăng ký sử dụng ứng dụng Uber…

Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng cho biết, thời gian tới sẽ khảo sát thực tế tại Công ty Grabtaxi và Easytaxi là các đơn vị tiến hành hoạt động kinh doanh qua mạng internet, viễn thông để xác định đúng bản chất. Qua đó, cơ quan này sẽ phối hợp với các đơn vị để thu thuế đúng chính sách, tránh ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. Tổng cục Thuế sẽ tham khảo kinh nghiệm quản lý thuế đối với hoạt động này của các quốc gia khác. 

Ra đời năm 2009 tại Mỹ và chính thức hoạt động năm 2010, ứng dụng Uber được xây dựng dành cho người dùng thiết bị di động thông minh có thể tìm kiếm một phương tiện chuyên chở thích hợp cho mình, cũng như tài xế có thể tìm thấy khách hàng nhanh nhất, giảm thiểu chi phí. Khi sử dụng phương tiện qua dịch vụ Uber, người dùng sẽ không trả phí trực tiếp bằng tiền mặt mà thanh toán thông qua thẻ tín dụng cá nhân.

Tuy nhiên, dịch vụ này gặp khá nhiều trở ngại khi thâm nhập vào các quốc gia do vướng mắc các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, do đe dọa việc làm của những người đang hành nghề lái xe taxi.

Ngọc Tuyên

Để lại một bình luận

0913.756.339