Tọa lạc tại vị trí vàng nhưng Thiên Sơn Plaza (Q7) phải chuyển đổi công năng sang văn phòng cho thuê
Hậu quả của tăng cung chóng mặt
Nếu như thời điểm quý 1-2010, TPHCM có 6 trung tâm (TT) bách hóa, 17 khu TT mua sắm, 6 khu bán lẻ khối đế, 60 ST và 3 ST bán sỉ với tổng diện tích khoảng 493.000m2 thì tính đến cuối quý 3-2014, tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại thành phố ở mức 870.000m2 diện tích sàn. Trong đó, ST chiếm 30%, còn diện tích TT mua sắm phức hợp lên tới 45%… Tuy nguồn cung tăng cao nhưng theo dự đoán của Công ty nghiên cứu tư vấn bất động sản Savills Việt Nam, từ cuối quý 4-2014 đến đầu năm 2016 thị trường sẽ có thêm 375.000m2 diện tích bán lẻ, tập trung chủ yếu tại Q7.
Trong khi đó, hiện có khá nhiều TTTM tại quận này lâm cảnh đìu hiu, phải chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng. Thiên Sơn Plaza là một ví dụ. Tọa lạc ngay góc ngã tư Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Lương Bằng, có thể xem là vị trí vàng, nhưng sau thời gian hoạt động ngắn ngủi, đến nay nơi này buộc phải chuyển đổi công năng, trở thành văn phòng cho thuê với mức 7USD/m2/tháng kèm phí dịch vụ khoảng 5USD/m2/tháng và thuế VAT. Chỉ trong vòng bán kính 1km xung quanh Thiên Sơn Plaza có rất nhiều TTTM, ST với những cái tên quen thuộc như Lotte Mart, Co.op Mart, Saigon Paragon, Crescent Mall…
Sự thực thì ngay cả số này cũng đang nỗ lực làm mới mình nhằm thu hút khách. Lotte Mart vừa trải qua đợt chỉnh trang lớn, thay đổi thiết kế nội thất, quy hoạch ngành hàng. Crescent Mall với lợi thế sang trọng đã thu hút nhiều cửa hàng thời trang, nội thất… của các nhãn hiệu nổi tiếng nhưng vẫn chưa thu hút khách; phần lớn vào đây là những người trẻ tuổi, tập trung chủ yếu ở khu vực giải trí, ẩm thực…
Tương tự, tòa nhà Saigon Paragon ở số 3 Nguyễn Lương Bằng, cung cấp 19.000m2 khu thương mại, mua sắm cao cấp từ tầng 1 đến 4 cũng khá vắng khách. Theo nhiều người dân thì tình trạng chung này cũng dễ hiểu vì bên cạnh các TTTM, ở Q7, đặc biệt khu vực Phú Mỹ Hưng, có hàng ngàn shop cung cấp đầy đủ từ quần áo, giày dép, hàng xa xỉ phẩm đến các loại hình dịch vụ ăn uống, làm đẹp… nên sức cạnh trang tương đối cao.
Khu vực trung tâm cũng… ế!
Trong khi ở Q2, dự án khu phức hợp căn hộ, TTTM The Vista có tới 3 tầng thương mại, nhưng theo khảo sát của chúng tôi hiện tại đây mới chỉ có khoảng 12 gian được thuê làm ST, nhà hàng, quán cà phê, trung tâm Anh ngữ, võ thuật, salon ôtô… và dần trở nên thất thế trước “người láng giềng” Cantavill bên cạnh do bị án ngữ bởi công trình xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên). Giá thuê mặt bằng tại đây khoảng 26USD/m2/tháng (tầng trệt) và dao động từ 14 – 18USD/m2/tháng tùy vị trí bên trên, chưa tính phí dịch vụ. Còn Cantavill tuy đã được lấp gần đầy 7 tầng TTTM nhưng khách cũng chẳng khá hơn. Nhân viên một quầy bán quần áo tại đây cho biết đa số chỉ tập trung vào hai ngày cuối tuần nên khó đạt chỉ tiêu doanh thu.
Vùng ven đã thế, khu vực trung tâm Q1, Q5 cũng đang có nhiều TTTM rơi vào cảnh khó thể lấp đầy. Tháp tài chính Bitexco, với 68 tầng và 3 tầng hầm, có bốn mặt tiền ở đường Hải Triều – Hồ Tùng Mậu – Ngô Đức Kế – Nguyễn Huệ, tọa lạc ngay trung tâm Q1, vị trí vàng như vậy song thực tế có khá ít gian hàng được thuê, khách đến xem phim là chính.
Tại thời điểm khánh thành, Bitexco Financial Tower cao thứ 110 thế giới, được xem là biểu tượng cho sự năng động của TPHCM trong thời kỳ hội nhập nhưng với những gì đang diễn ra có lẽ nó sẽ khó đáp ứng được tiêu chí này. Được biết giá thuê mặt bằng bán lẻ tại tầng 2 ở mức 40USD/m2/tháng và phí quản lý 10USD/m2/tháng, trả theo quý.
Trên thực tế không thể phủ nhận nhiều TTTM từng ăn nên làm ra, nhưng cũng có không ít vị trí mà khách thuê đã và đang chịu cảnh đìu hiu. Trong khi đó, chợ truyền thống vẫn giữ vai trò không thể thay thế của nó.
Quang Hà (Công an TP.HCM)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.