Động thái bỏ trần tỷ giá nội tệ so với euro của Thụy Sĩ tuần trước đã nhắc nhở thế giới rằng thiệt hại có thể xảy đến bất ngờ do chiến tranh tiền tệ giữa các ngân hàng trung ương. Giờ đây, thị trường đang tập trung vào các khó khăn khác trên bản đồ tiền tệ toàn cầu.
Trường hợp rõ ràng nhất là Trung Quốc. Giống như Thụy Sĩ, quốc gia này có chế độ neo tỷ giá và đang ngày càng gặp khó trong việc duy trì chính sách này. Do chế độ neo với USD đã được thực hiện từ lâu, giá NDT cũng ngày càng cao so với các loại tiền tệ chủ chốt.
Yen Nhật đã mất giá đáng kể từ khi Nhật Bản áp dụng nhóm chính sách kinh tế Abenomics và tung nới lỏng 2 năm qua. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng có vẻ đã sẵn sàng thực hiện nới lỏng tuần tới. Động thái của Thụy Sĩ cũng đồng nghĩa với việc Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ (SNB) sẽ ngừng mua lượng euro cần thiết để duy trì tỷ giá, khiến euro tiếp tục đi xuống.
Trung Quốc có thể sẽ bỏ neo tỷ giá với USD. Ảnh: China Daily |
Trung Quốc hoàn toàn không muốn nội tệ của họ mạnh lên thêm nữa, Market Watch nhận định. GDP Trung Quốc năm ngoái đã tăng chậm nhất kể từ 1990 và cũng không đạt mục tiêu 7,5%. Số liệu này được đưa ra trong thời điểm họ phải đối mặt với cả nguy cơ giảm phát và vốn nước ngoài chảy khỏi Trung Quốc.
Cú shock tiền tệ trong tuần trước sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng. Do Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi bán hàng vào châu Âu, thị trường lớn thứ hai của họ sau Mỹ.
Một mối nguy hiểm khác đang dần hình thành là nội tệ mạnh làm tăng nguy cơ giảm phát. Chỉ số giá sản xuất (PPI) đã giảm gần 3 năm nay. Giá dầu thô giảm càng khiến lạm phát tăng chậm lại và thị trường bất động sản cho thấy vẫn có khả năng xuống thấp. Theo số liệu Chính phủ Trung Quốc công bố cuối tuần trước, giá nhà mới ở các thành phố lớn đã giảm 4,3% trong tháng 12 so với cùng kỳ năm trước.
Khó khăn với Bắc Kinh là biến động bên ngoài nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Euro giảm sẽ châm ngòi một đợt giảm giá tiền tệ để cạnh tranh trên toàn cầu. Điều này đang làm dấy lên câu hỏi “Liệu Trung Quốc có thể chịu đựng NDT tăng giá thêm bao nhiêu nữa?”.
Các động thái của Thụy Sĩ và ECB tuần qua có vẻ khác khác nhau. Nhưng chúng vẫn có chung một đặc điểm là đều miễn cưỡng hành động khi cơn đau đã quá giới hạn chịu đựng.
Giảm phát là kẻ thù số một của các ngân hàng trung ương, do các khoản nợ sẽ khó thanh toán hơn. Tăng trưởng và việc làm sẽ bị đình trệ khi người dân dừng chi tiêu và doanh nghiệp ngại đầu tư.
Mức nợ hiện tại của Trung Quốc càng khiến họ lo ngại giảm phát. Tổng nợ nước này đã vượt quá 250% GDP. Tăng trưởng tín dụng ngân hàng thấp hơn dự kiến trong tháng cũng cho thấy nhu cầu trong nền kinh tế đang yếu đi.
Vấn đề dòng vốn cũng đang được quan tâm khi nhiều nhà đầu tư đang rút về do nhận định NDT không thể tiếp tục tăng giá. Những quý gần đây, dòng tiền nóng đang có dấu hiệu chảy khỏi Trung Quốc và dự trữ ngoại tệ giảm sút. Số liệu quý IV/ 2014 cho thấy dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm 48 tỷ USD xuống còn 3,84 nghìn tỷ USD.
Bank of America cho biết, trong quý IV, số tiền rút khỏi Trung Quốc đã tăng từ 68 tỷ USD lên 120 tỷ USD. Trong khi đó, dấu hiệu thanh khoản giảm cũng xuất hiện khi cung tiền của Trung Quốc tháng 12 đi xuống.
Sự kết hợp dòng tiền rút khỏi thị trường và thanh khoản thấp cho thấy những thách thức của PBOC phải đối mặt. Nếu tốc độ rút vốn cao, Trung Quốc sẽ phải sử dụng thêm nhiều dự trữ ngoại hối để duy trì neo tỷ giá. Điều này sẽ làm giảm tính thanh khoản, trừ khi PBOC tìm được các biện pháp nới lỏng mới, trong số đó, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) cho các ngân hàng đang là biện pháp được chờ đợi trong năm nay.
Nhưng rủi ro ở đây là nhà đầu tư mất niềm tin vào nhân dân tệ. Trong trường hợp này, thanh khoản mới có thể lại tạo điều kiện cho vốn tiếp tục chảy khỏi Trung Quốc. Kịch bản như vậy nhiều khả năng sẽ khiến quốc gia này phải theo chân Thụy Sĩ – thả nổi tiền tệ.
Quân Tạ