Tình trạng chiếm dụng đất dự án, hồ điều hòa ở Hà Nội: Quy hoạch phải được thực hiện đúng

Một câu hỏi được đặt ra: Trước thực trạng đó, vấn đề sẽ được giải quyết như thế nào và cần những giải pháp gì để xử lý? Về vấn đề này phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với một số lãnh đạo quận, huyện để làm rõ.

Nguyễn Văn Tứ – Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm: Có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đất dự án bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích và gia tăng trong thời gian gần đây. Bao gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Có thể nói, do thị trường BĐS trong nước thời gian gần đây bị đóng băng khiến các chủ đầu tư gặp khó khăn trong quá trình thi công. Do đất dự án không thể thi công ngay nên buộc chủ đầu tư phải tìm cách cho thuê lại trong thời gian ngắn để thu lại lợi nhuận khi dự án chậm triển khai. Nhìn ở góc độ pháp luật thì điều này là sai so với quy định. Tuy nhiên, nhìn vấn đề này trên phương diện kinh tế – xã hội thì nó không xấu, vì khi chủ đầu tư cho thuê lại đất dự án để kinh doanh, một phần cũng đã tạo ra được thu nhập cho cả người đi thuê và cho xã hội. Nhưng tác động này cũng chỉ mang tính nhất thời… Vấn đề đặt ra ở đây là phải thực hiện việc quản lý Nhà nước như thế nào để phát huy được mặt tích cực đó?

Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Tứ

Việc thu hồi dự án là một bài toán phức tạp, cần phải rút ra được bài học quản lý vĩ mô và vi mô. Thu hồi hay không thu hồi đều phải xem xét kỹ, bởi nếu không cẩn trọng thì sẽ rơi vào tình trạng “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”. Giải pháp đặt ra là phải làm tốt được công tác dự báo; phải xem xét trách nhiệm của nhà quản lý trước khi xem xét trách nhiệm của nhà đầu tư…

Đối với tình trạng Khu Liên hợp thể thao quốc gia (KLHTTQG) Mỹ Đình đang bị “xẻ thịt”: Vấn đề quy hoạch là vấn đề khó, để phát triển đất nước phải có quy hoạch và khi đã có quy hoạch phải làm đúng quy hoạch. Bản quy hoạch phải mang tính khả thi cao. Đã là quy hoạch thì không nên “khoác trên vai” yếu tố tài chính. Kinh doanh trong KLHTTQG là tốt nhưng cần phải có lộ trình, tính toán và theo chuẩn để không phá vỡ quy hoạch.

Khi các DN vào liên kết với KLHTTQG để làm sân quần vợt, sân đua xe đạp lòng chảo, hồ bơi… theo đề án đã có thì quá tốt. Tuy nhiên, việc sử dụng các công trình được đầu tư xây dựng từ tiền của Nhà nước để phục vụ mục đích thu tiền qua việc cho thuê đất để làm quán cà phê, bãi đỗ xe, siêu thị nội thất… mà Sân vận động Mỹ Đình đang làm là cách tận dụng công trình Nhà nước để kiếm tiền chứ không phải là đang thực hiện xã hội hóa và việc cho thuê đất làm trạm trộn bê tông Việt – Hàn trong KLHTTQG là hoạt động mang tính phi thể thao…

Ông Trần Việt Hà – Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy: Cẩn trọng khi thu hồi

Vấn đề đất dự án bị sử dụng sai mục đích có thể chia làm 2 loại: Đất đã được GPMB nhưng chậm đưa vào sử dụng và đất chậm thực hiện theo Giấy chứng nhận đầu tư. Theo quy định của pháp luật thì những trường hợp này có thể bị thu hồi đất hoặc dự án đầu tư. Thực tế, trên địa bàn TP hiện nay còn rất nhiều đất dự án chậm, bị sử dụng sai mục đích nhưng vẫn chưa bị thu hồi. Nếu thu hồi thì chủ đầu tư nào vào triển khai?

Đơn cử, một dự án xây dựng công trình cao 19 tầng, nếu thu hồi thì ai giải quyết triệt để, thu hồi rồi có phải điều chỉnh quy hoạch không? Trường hợp nếu không điều chỉnh quy hoạch thì chủ đầu tư mới có giải quyết được vấn đề này không?

Đối với những dự án còn chậm, sử dụng sai mục đích, lực lượng chức năng phải rà soát, kiểm định lại khả năng về tài chính của chủ đầu tư, các chủ đầu tư này không thuộc nguồn vốn dự án Nhà nước. Nếu chủ đầu tư nào yếu thì phải kiên quyết loại bỏ và công khai thu hồi dự án (đặc biệt là các dự án thuộc diện “đất vàng”) để thu hút chủ đầu tư mới, tuy nhiên, cần phải sàng lọc đối với đơn vị mới, chủ đầu tư nào có tiềm lực mạnh thì cần tạo điều kiện về mọi mặt để họ đầu tư, triển khai.

Một thực tế khác, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội đang thiếu trầm trọng khu vui chơi, không gian xanh, trường học, bãi đỗ xe… như vậy, những dự án thuộc nguồn vốn Nhà nước đang bị “xẻ thịt” sau khi lực lượng chức năng thanh, kiểm tra cụ thể và có quyết định thu hồi thì có thể xây dựng công viên, trường học, trồng cây xanh… tạo điều kiện sống tốt hơn đối với người dân. Việc làm này mang tính lợi ích xã hội cao và cũng sẽ góp phần giảm những tệ nạn xã hội…

Ông Đỗ Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ: Sẽ xử lý dứt điểm vi phạm

Việc lấn chiếm, sử dụng sai mục đích đất xung quanh dự án Trạm xử lý nước thải Hồ Tây (thuộc phường Nhật Tân) như phản ánh là có. Trước đó, UBND quận cũng đã nhận được công văn của Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Điền về việc lấn chiếm tại khu vực đầm Bảy. Trong đó, có nêu phần diện tích đang quản lý có một số cá nhân xây dựng nhà, trồng cây và một số công trình cho thuê chụp ảnh. Quá trình thi công xây dựng hàng rào tôn xung quanh dự án đã có một số đối tượng đến đe dọa công nhân, cản trở thi công… thậm chí gần đây, một số đối tượng còn tự tháo dỡ khoảng 100m rào đã được lắp đặt từ trước. Về việc này, UBND quận đã chỉ đạo Công an phường Nhật Tân điều tra, làm rõ các đối tượng liên quan.

Đối với phần diện tích lòng hồ đầm Bảy (hiện nay đang mọc lên lều lán của nhà hàng Hải Long) đang bị lấn chiếm, UBND quận đang tiến hành kiểm tra, rà soát để làm rõ vấn đề này. Trường hợp phần diện tích này vẫn còn thời hạn thì Công ty Phú Điền phải nghiêm chỉnh chấp hành trong việc quản lý, sử dụng đất. Đối với những vi phạm, quận sẽ cử lực lượng chức năng phối hợp với phường để giải tỏa lều lán.

Theo thống kê, hiện có khoảng 8 – 9 tàu nổi hoạt động ở Hồ Tây (kể cả có và không có đăng ký hoặc đăng ký nhưng đã hết hạn)”. Quận đã có văn bản đề nghị UBND TP chỉ đạo Sở GTVT Hà Nội, các đơn vị liên quan sớm xử lý, di chuyển các tàu, thuyền tại khu vực số 4 Thụy Khuê về khu vực đầm Bảy, phường Nhật Tân (phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt). Quan điểm của UBND quận là di chuyển toàn bộ nhà nổi, du thuyền tại khu vực này để trả lại cảnh quan cho Hồ Tây…

Các DN hoạt động dịch vụ, khi di chuyển cũng phải đảm bảo hoạt động. Đối với những tàu thuyền đủ điều kiện thì sẽ di dời, còn đối với các tàu thuyền không đủ điều kiện hoạt động thì sẽ tiến hành xử lý. Phương án di chuyển phải đồng bộ. Quận sẽ sớm kiến nghị TP phương án di chuyển cũng như là phương án “tái định cư” sau khi di chuyển, đảm bảo đồng bộ từ bến bãi, xử lý chất thải… nhưng muốn di chuyển được thì phải có sự chuẩn bị, cụ thể là phải đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư, phải có giải pháp và quá trình…

Đạt Lê – Trần Long (KTĐT)

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Để lại một bình luận

0913.756.339