Tiểu thương phản đối chợ Thành Công thành trung tâm thương mại

Vẫn mở cửa bán hàng như bình thường song từ 3 ngày nay, công việc chính của chị Trần Thị Huyền, chủ một sạp hoa ở chợ Thành Công (quận Ba Đình) cùng nhiều tiểu thương khác lại là “trông chợ”.

Sự việc bắt đầu từ ngày 13-14/10 khi chủ dự án Trung tâm thương mại Thành Công cho triển khai máy móc thiết bị thăm dò địa chất tại đây. Cùng thời điểm này, Ban quản lý chợ cũng họp với đại diện một số ngành kinh doanh, thông báo kế hoạch chuyển các sạp hàng sang khu tạm trên đường Nguyên Hồng gần đó để thực hiện xây dựng.

Cho-TC-02.jpg

Công việc chính của tiểu thương mấy ngày nay là “trông chợ”. Ảnh: Thành Tâm

Trước đó, chủ trương chuyển đổi chợ Thành Công – khu chợ nổi tiếng giữa lòng quận Ba Định, phục vụ hàng vạn dân suốt mấy chục năm nay – thành trung tâm thương mại từng được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chấp thuận từ năm 2008. Tuy nhiên kể từ đó đến nay, do phía cơ quan quản lý và chủ đầu tư chưa có động thái cụ thể nên bà con tiểu thương vẫn buôn bán theo mô hình truyền thống suốt 6 năm qua.

“Thực tế Ban quản lý chợ chưa tổ chức bất kỳ một cuộc họp nào về việc này. Họ mới chỉ mời tổ trưởng, tổ phó các ngành hàng lên hoàn tất thủ tục hợp đồng chứ không đề cập gì đến việc xây trung tâm thương mại”, chị Huyền bày tỏ.

Ngoài việc phải chuyển đi trong vòng một tháng, điều khiến các tiểu thương lo lắng nhất là không biết cụ thể kế hoạch xây dựng và chuyển đổi của ban quản lý và chủ đầu tư ra sao? Việc sắp xếp vị trí kinh doanh, giá thuê mặt bằng ở trung tâm thương mại mới sẽ như thế nào?… “Nếu xây chợ tốt hơn thì tại sao bên quản lý không họp công khai, cho tiểu thương biết chủ đầu tư, biết việc xây chợ như thế nào? Chúng tôi giờ bán hàng mà như đánh trận giả”, chị Chu Thị Liên – chủ quầy rau quả cảm thán.

Cho-TC-03.jpg

Tiểu thương cho biết đang cùng ký vào đơn kiến nghị cơ quan quản lý xem xét lại việc chuyển đổi. Ảnh: Thành Tâm

Bên cạnh nỗi lo mưu sinh cho bản thân và gia đình, nhiều người còn ái ngại rằng chợ Thành Công sẽ theo gót những mô hình trung tâm thương mại chuyển đổi đang “chết yểu” như chợ Cửa Nam, chợ Hàng Da, chợ Mơ… hiện nay. Chị Trương Khánh Vân, chủ sạp đồ khô cho rằng sau khi chuyển đổi, tiểu thương ở chợ cũ sẽ phải “chui hết xuống hầm”: “Như ở chợ Mơ, phải bước đến 21 bậc thang mới xuống được sạp hàng đầu tiên. Cả chợ chỉ có 3 lối thoát hiểm thì ai dám xuống mua?”.

Tuy nhiên, theo chị Vân, các tiểu thương tại đây cũng rất mong muốn chợ được cải tạo, nâng cấp nên sẵn sàng bàn bạc với cơ quan quản lý và chủ đầu tư. Mô hình mà họ muốn theo đuổi là chợ Ngọc Hà (cũng trên địa bàn quận Ba Đình). Theo đó, việc xây dựng được thực hiện cuốn chiếu, xây một nửa, nửa còn lại vẫn có thể kinh doanh.

Trao đổi với VnExpress, bà Đặng Thị Bích Hằng – Trưởng ban Quản lý chợ Thành Công xác nhận việc chủ đầu tư là một tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn đang tiến hành khảo sát địa chất và yêu cầu di chuyển sang chợ tạm đối với tiểu thương. Riêng vấn đề tuyên truyền, vận động, bà khẳng định đã thực hiện suốt nhiều năm qua nhưng không có kết quả.

Cho-TC-01.jpg

Bà Đặng Thị Bích Hằng – Trưởng ban Quản lý chợ cho biết việc vận động đã được tiến hành suốt nhiều năm qua nhưng không có kết quả. Ảnh: Thành Tâm

“Bản thân tôi cũng thấy thời gian qua, việc chuyển đổi mô hình chợ sang trung tâm thương mại chưa hiệu quả, dẫn đến sự lo lắng của tiểu thương nơi đây. Tuy nhiên đây là chủ trương của thành phố, mong muốn xây dựng dự án chợ – trung tâm thương mại làm điểm nhấn vừa đẹp và đảm bảo nhiều yếu tố cho khu vực Ba Đình”, Trưởng ban Quản lý chợ Thành Công cho hay.

Cũng theo bà Hằng, trong nhiều cuộc họp với chủ đầu tư, bà cũng đã nêu các ý kiến phản hồi của các tiểu thương. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp khẳng định khi thực hiện dự án này sẽ rút kinh nghiệm từ các trung tâm thương mại khác để đảm bảo hiệu quả cao hơn.

Trong khi đó, trao đổi với VnExpress ngày 16/10, lãnh đạo quận Ba Đình cho biết đã nắm được tình hình tại chợ Thành Công và cam kết sẽ sớm có câu trả lời thỏa đáng cho tiểu thương và dư luận.

Thành Tâm

Video: Nhật Quang

Để lại một bình luận

0913.756.339