Năm 2007, những trận lũ lớn liên tục xảy ra đã gây nên tình trạng sạt lở nghiêm trọng hai bên bờ sông Cu Đê, đe dọa trực tiếp đến tài sản, tính mạng của những hộ dân sống nơi đây. Trước tình hình đó, UBND huyện Hòa Vang đã đầu tư xây dựng khu TĐC Nam Mỹ để chuyển những hộ dân ở khu vực sạt lở lên sinh sống. Từ năm 2007 đến 2009, có 62 hộ dân được di dời, mỗi hộ được cấp 300m2 đất ở và hỗ trợ từ 12-21 triệu đồng để xây dựng nhà cửa. Tuy nhiên, hiện tại, hơn một nửa số hộ dân này đã rời bỏ khu TĐC tìm đến nơi khác lập nghiệp hoặc trở về ven sông để dựng lều sản xuất.
Anh Trần Văn Thuận, một hộ dân vừa chuyển nhà từ khu TĐC Nam Mỹ về nơi ở cũ trên triền sông Cu Đê, thuộc thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, cho biết: Khu TĐC Nam Mỹ tuy cao ráo, tránh được cảnh sạt lở, ngập lụt; nhưng đất đai khô cằn, không thể trồng trọt được. Đất sản xuất không có, người dân buộc phải vào rừng lấy mây, hái đót để sống qua ngày. Mới đây, gia đình anh quyết định về nơi ở cũ vốn có đất đai màu mỡ để trồng mía, trồng bắp mưu sinh như trước.
Khu tái định cư Nam Mỹ đầu tư không hiệu quả do người dân không có đất sản suất.
Bà Lê Thị Hoài, một hộ dân khác cũng dời về sống ở triền sông. Nhưng thay vì dựng lại nhà ở cố định một chỗ, mấy năm nay, cứ vào mùa bão lũ, gia đình bà Hoài lại gồng gánh về ngôi nhà của gia đình ở khu TĐC Nam Mỹ, vì sợ nước sông thường lên cao đột ngột đe dọa tài sản, tính mạng. Hàng chục hộ dân ở khu TĐC Nam Mỹ đã lựa chọn “giải pháp” này để đảm bảo cuộc sống. Hoàn cảnh “một quê hai nhà” và điều kiện khó khăn về kinh tế khiến việc sinh hoạt, học hành của nhiều học sinh bị ảnh hưởng. Một số em đã nghỉ học để phụ giúp cha mẹ việc đồng áng.
Ông Hồ Tăng Phúc, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc thừa nhận thực trạng này diễn ra đã nhiều năm và là vấn đề nan giải của địa phương. “Khu TĐC này được xây dựng nhằm mục đích di dời những hộ dân trong vùng sạt lở dọc sông Cu Đê lên nơi an toàn, nhất là mùa mưa lũ hằng năm nước luôn lên cao, có đoạn nước sông ăn sâu vào đất liền hàng chục mét. Tuy nhiên, khi chuyển về đây, bà con lại không có đất sản xuất nên chỉ một thời gian ngắn đã phải bỏ làng để ra đi”, ông Phúc nói.
Hiện một nửa trong số những hộ dân đã chuyển đi nơi khác, những căn nhà đóng cửa im lìm nhiều năm liền giờ đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, dọc khu vực triền sông Cu Đê đoạn qua hai thôn Tà Lang và Giàn Bí, hàng chục căn nhà tạm bợ mọc lên từ nhiều năm nay để thuận tiện cho việc sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, vì ở tạm bợ, thậm chí trái phép nên khu vực này không được đầu tư đường sá hoàn chỉnh, không có nước sạch, thậm chí phải thắp sáng bằng đèn dầu.
“Chúng tôi cũng đề nghị thành phố nên xem xét, giải quyết dứt điểm những trường hợp này; vì mỗi khi bước sang mùa mưa, địa phương phải rất vất vả trong việc vận động những hộ dân sống tạm bên mép sông chuyển về khu TĐC Nam Mỹ. Nhưng thực tế là nếu họ có chuyển về thì lại không biết làm gì để sống”, ông Phúc bày tỏ. Người dân khu TĐC Nam Mỹ mong muốn sự quan tâm hỗ trợ và đầu tư của chính quyền TP Đà Nẵng để giúp họ thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn này.
Bảo Phương (Công an TP.HCM)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.