Trao đổi với VnExpress, Giám đốc kinh doanh Dịch vụ chứng khoán của Công ty chứng khoán VNDIRECT – Nguyễn Tuấn Anh cho rằng thị trường chứng khoán năm 2015 có một số thuận lợi, song cũng đòi hỏi nhiều hơn bản lĩnh và kiến thức của nhà đầu tư.
– Năm 2014, thị trường chứng khoán trải qua nhiều đợt sóng, cả tăng và giảm. Diễn biến này ảnh hưởng như thế nào đến kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán nói chung và VNDIRECT nói riêng?
Ông Nguyễn Tuấn Anh. |
– Thị trường năm qua thực sự đã trải qua nhiều biến động. Sự kiện Biển Đông, tác động của Thông tư 36 và giá dầu giảm đã tạo ra những cơn sóng khá lớn. Chính điều này đã tạo nên bức tranh kinh doanh nhiều màu sắc cho các công ty chứng khoán. Nhóm cổ phiếu dầu khí tăng mạnh trong khoảng 9 tháng đầu năm đã đóng góp cho thị phần và doanh thu ở một số công ty có chính sách linh hoạt, tỷ lệ cho vay cao.
Những diễn biến này có ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của chúng tôi. Trong quý IV, công ty chấp nhận giảm doanh thu và cảnh báo khách hàng về việc hạn chế các giao dịch đòn bẩy khi thị trường giảm điểm. Tuy nhiên, tính chung 2014 vẫn là năm kinh doanh thành công khi công ty đã hoàn thành kế hoạch 191 tỷ đồng lợi nhuận do đại hội cổ đông đặt ra.
– Thị phần môi giới của công ty sụt giảm trên cả HNX và HOSE trong năm qua. Điều này ảnh hưởng thế nào đến hoạt động kinh doanh?
– Nhìn lại năm 2014, nhà đầu tư hẳn còn nhiều cảm xúc với hai đợt sụt mạnh, vào tháng 4-5 và tháng 9. Nhờ dự báo, VNDIRECT đã giảm tỷ lệ cho vay margin và cảnh báo khách hàng thận trọng với đòn bẩy trước 2 giai đoạn này. Việc hạn chế margin sẽ dẫn đến hệ luỵ là giảm doanh thu và giảm thị phần. Chúng tôi đã lường trước và chấp nhận điều này nhằm giữ an toàn tài sản cho khách.
Về thị phần môi giới, tôi cho rằng thống kê này chưa đủ để đánh giá hoạt động của một công ty chứng khoán. Đôi khi thị phần giống như một khuôn mặt đẹp, có thể trang điểm, thẩm mỹ cho lung linh. Để có cái nhìn tổng quan, chính xác, cần phải nhìn vào tổng lợi ích mà công ty mang lại cho khách hàng: lợi nhuận, hệ thống quản trị rủi ro và chỉ số an toàn tài sản, hạ tầng công nghệ, định hướng phát triển, văn hóa doanh nghiệp…
– Ông dự báo thị trường chứng khoán sẽ diễn biến như thế nào trong năm 2015?
– Năm 2015 được dự báo sẽ khá phức tạp. Có thể có sóng lớn, thanh khoản sẽ tăng khoảng 20% so với năm 2014. Thị trường dự kiến sẽ có những biến động mạnh do tác động của các yếu tố như chính sách và các yếu tố bất ngờ.
Với sự trồi sụt được dự báo này, nhà đầu tư nhiều khả năng sẽ gặp nhiều khó trong các quyết định của mình. 2015 là năm rất cần bản lĩnh, tri thức và sự tỉnh táo của đầu tư. Bên cạnh đó, cũng có thể sẽ có nhiều thuận lợi nếu giả định Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, room cho nhà đầu tư nước ngoài được mở. Nhìn chung, chứng khoán vẫn là một kênh đầu tư hợp lý ở thời điểm này, nếu so với vàng, bất động sản hay gửi tiết kiệm.
Rõ ràng, với sự rủi ro của giá vàng, sự thanh khoản của bất động sản hay lãi suất tiết kiệm thấp, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư tốt nhất hiện nay. Trong năm mới, nhiều cuộc IPO, nhiều doanh nghiệp mới sẽ chào sàn. Đây là cơ hội cho dòng tiền “thông minh” tìm được nơi sinh sôi tốt.
– Ông nhận định những sự kiện hay chính sách mới nào sẽ tác động đến thị trường chứng khoán trong năm nay?
– Năm 2015 sẽ có nhiều chính sách mới được công bố. Thông tư 36, được dự báo sẽ mang lại tích cực cho khối ngân hàng do xóa dần sở hữu chéo, tăng tính tuân thủ theo Basel III. Thông tư 36 cũng sẽ làm thay đổi phương thức kinh doanh của các công ty chứng khoán. Những đơn vị vốn nhỏ sẽ khó khăn, phải tăng vốn. Trong khi đó, các công ty có lợi thế trong việc tiếp cận vốn vay margin sẽ phát triển tốt.
Ngoài ra, những chính sách như mở room khối ngoại cũng được kỳ vọng mang lại sự tích cực cho dòng tiền, khơi thông luồng vốn mới. Việc ký kết TPP cũng sẽ là một điểm nhấn quan trọng.
– Trong bối cảnh như vậy, liệu VNDIRECT có tiếp tục giữ chiến lược “an toàn” cho nhà đầu tư khi hạn chế sử dụng đòn bẩy?
– Với mỗi nhà đầu tư, mức độ sử dụng margin là khác nhau. Với chứng khoán Việt Nam, nguồn vốn thực luôn khá hạn hẹp. Nhà đầu tư luôn có nhu cầu sử dụng vốn vay, đòn bẩy. Margin là một phần rất quan trọng, không thể thiếu trong giao dịch chứng khoán nhưng luôn cân nhắc thời điểm, tỷ lệ sử dụng và khả năng chịu đựng rủi ro.
Nếu quản lý tốt, trong những lúc thị trường ổn định, tăng trưởng có thể sử dụng margin ở mức 50%. Nhưng nếu trong lúc thị trường đi xuống, nó sẽ trở thành con dao 2 lưỡi. Trong năm 2015, khả năng nguồn vốn dùng cho nhà đầu tư vẫn được các công ty chứng khoán lớn đáp ứng đủ. Nhưng khi độ phức tạp của thị trường lên cao, nhà đầu tư rất cần sự tư vấn của đội ngũ môi giới.
Riêng với VNDIRECT, sản phẩm tài chính luôn được thiết kế linh hoạt theo diễn biến của thị trường, phù hợp với phong cách đầu tư. Bên cạnh đó việc vận hành hệ thống quản trị rủi ro sẽ giúp khách hàng giữ được tài sản khi thị trường có những dấu hiệu tiêu cực.
Kỳ Duyên